Du lịch dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9: Những làng nghề ở Hà Nội nên ghé thăm
[Infographic] Những con số ấn tượng về Làng nghề xã Chuyên Mỹ Bảo tồn làng nghề, phát triển kinh tế nông thôn |
1. Làng nghề chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất)
Thạch Xá là một trong rất nhiều làng nghề truyền thống ở Hà Nội với hơn 20 năm làm nghề chuồn chuồn với những sản phẩm tinh tế được làm nên từ chính đôi bàn tay khéo léo của những nghệ nhân dân gian Thạch Xá.
Chuồn chuồn tre rực rỡ sắc màu được hoàn thiện dưới đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. |
Từ những cây tre xanh, các nghệ nhân dân gian Thạch Xá đã cho ra đời những chú chuồn chuồn tre độc đáo. Chuồn chuồn có nhiều màu sắc khác nhau, mỗi sản phẩm là một vẻ đẹp riêng và điều đặc biệt là chúng có thể đậu được khắp mọi nơi nhờ nguyên lý cân bằng trọng lực mà không cần gắn bất kỳ một thiết bị hay động cơ nào.
Cùng đó, chuồn chuồn tre cũng được trang trí bằng những màu sơn vô cùng bắt mắt và hoa văn độc đáo. Chuồn chuồn tre không chỉ là những món quà trong những lễ hội truyền thống hay những món quà lưu niệm mà chúng còn được xuất sang nhiều nước như: Pháp, Mỹ, Nhật...
Hiện nay, còn khá ít các gia đình nghệ nhân Thạch Xá còn gắn bó với nghề chuồn chuồn tre, do đó, đây sẽ là cơ hội để du khách tham quan, tìm hiểu về sản phẩm này trước nguy cơ làng nghề ngày càng bị mai một.
2. Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ)
Làng Phú Vinh được coi là “xứ mây”, nổi tiếng về nghề mây tre đan với lịch sử phát triển nghề hơn 400 năm. Mỗi sản phẩm mây tre đan là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật tinh xảo, công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo. Nét đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre đan Phú Vinh là hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật sản xuất lại rất tinh xảo.
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh cũng là nơi để du khách có thể chiêm ngưỡng những người thợ làm ra sản phẩm mây tre đan với nhiều kiểu dáng, mẫu mã. |
Đến với làng nghề Phú Vinh, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất hàng thủ công mây tre đan mới thấy hết sự đa dạng trong kiểu dáng và mẫu mã. Từ những cây mây, nan tre, các nghệ nhân đã thổi hồn vào chúng, tạo ra những sản phẩm tinh xảo làm mê đắm lòng người. Không chỉ làm ra những vật dụng gia đình, mộc mạc đậm chất làng quê như khay, đĩa, rổ, rá, dần sàng, túi xách, cơi trầu… mà các nghệ nhân còn nhận làm những sản phẩm nội thất, đồ trang trí rất hấp dẫn như bàn ghế, bình hoa, chao đèn, khung ảnh…
3. Làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông)
Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc từ lâu đã nổi tiếng bởi nét tài hoa của những nghệ nhân làng nghề. Bao đời nay, lụa Vạn Phúc chỉ sử dụng chất liệu tơ tằm truyền thống, do bàn tay của người lao động tạo nên. Điều đáng quý là các sản phẩm ở đây được làm từ nguyên liệu tự nhiên, có nhiều ưu điểm khác hẳn với các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
Đến với làng lụa Vạn Phúc, du khách được trải nghiệm các công đoạn dệt lụa. |
Hiện làng lụa Vạn Phúc có khoảng 300 hộ dệt, kinh doanh mặt hàng lụa tơ tằm. Để phục vụ khách du lịch, các gian hàng trong khu phố Lụa được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt. Các gian hàng trưng bày nhiều sản phẩm mới, các mẫu thiết kế thời trang, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lụa đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.
Không chỉ tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh mà làng lụa Vạn Phúc còn gắn kết với du lịch, dịch vụ. Ngày nay, ngoài việc kinh doanh các sản phẩm làm từ lụa, các cơ sở sản xuất còn kết hợp mô hình cho du khách tới tham quan, trải nghiệm quy trình làm ra sản phẩm, giúp khách hàng thấy được giá trị chất lượng của sản phẩm lụa nơi đây để yên tâm lựa chọn mua sắm.
4. Làng nón Chuông (huyện Thanh Oai)
Làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) từ lâu nổi tiếng với nghề làm nón lá truyền thống. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, mặc dù nghề làm nón không còn hưng thịnh như xưa nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn âm thầm lưu giữ hồn quê hương qua những sản phẩm chiếc nón lá.
Qua bao thăng trầm của thời gian, người dân làng Chuông vẫn lưu giữ nghề làm nón. |
Đến làng nón Chuông, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công đoạn để tạo nên một chiếc nón hoàn chỉnh. Đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu. Nguyên liệu chính để làm ra nón là lá Lụi, được mua từ các vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình,... trải qua nhiều công đoạn như vò với cát, phơi lá khô mới có thể sử dụng được.
Khi đã có nguyên liệu, người nghệ nhân sẽ bắt đầu các công đoạn làm nón. Theo đó, khâu khó nhất trong các công đoạn là khâu quay nón. Khâu này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, cẩn thận, tỉ mỉ thì chiếc nón mới phẳng, khi quay nón người thợ phải khéo léo để không làm hở chóp, lá được xếp đều nhau tránh bị cộm.
Cái tài của người thợ làng Chuông là các múi nối sợi móc khi khâu được dấu kín và khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy đều tăm tắp những mũi khâu. Những công đoạn tỉ mỉ, bàn tay tài hoa đó cũng là nét riêng biệt của nón làng Chuông so với nón lá ở các làng nghề khác.
5. Làng sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín)
Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 17km về phía Nam, xã Duyên Thái nổi tiếng với nghề sơn mài Hạ Thái. Đây vốn là một trong những nghề cổ đã và đang được người dân gìn giữ và phát triển cho đến ngày nay.
Những sản phẩm sơn mài của làng nghề Hạ Thái. |
Tranh sơn mài của làng nghề Hạ Thái sử dụng những vật liệu màu rất truyền thống của nghề sơn như sơn cánh gián, sơn then, các loại son, bạc thếp, vỏ trai, vàng thếp… và chủ yếu được vẽ trên nền vóc màu đen. Cộng thêm đưa kỹ thuật mài vào đã tạo nên một kỹ thuật sơn mài độc đáo và tạo dấu ấn riêng, làm nên một sản phẩm có thương hiệu và một địa danh làng sơn mài Hạ Thái nổi tiếng.
Sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái được trưng bày ở những hội chợ thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước. Các sản phẩm phong phú về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu, không chỉ sơn son thếp vàng đồ thờ cúng, mà còn phát triển tranh sơn mài những đồ dùng, vật dụng trang trí phục vụ trong cuộc sống rất được ưa chuộng tại một số nước trên thế giới, như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu.
Đến với làng nghề sơn mài Hạ Thái, bạn không chỉ được khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, mà tại đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật tranh sơn mài tuyệt tác do người xưa truyền lại.
Bình luận