Làng nghề lồng đèn Phú Bình sinh tồn giữa thời hiện đại Bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch Luồng gió mới ở làng nghề

Cùng với sản xuất nông nghiệp, làng nghề đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội. Để bảo tồn và phát triển làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống, Hà Nội đang tiếp tục có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực...

Hà Nội: “Tiếp sức” cho làng nghề
Sản xuất đồ gốm mỹ nghệ tại làng nghề truyền thống Bát Tràng (huyện Gia Lâm).

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Thành phố hiện có 318 làng nghề đã được Uỷ ban nhân dân (UBND) Thành phố công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội. Mỗi làng nghề được công nhận đều mang bản sắc riêng, có sản phẩm đa dạng, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước...

Tổng doanh thu từ 318 làng nghề, làng nghề truyền thống và làng có nghề trên địa bàn thành phố đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm. Đơn cử, tại huyện Hoài Đức, 2 xã nghề có doanh thu cao là điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; bánh kẹo và dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng…

Đáng chú ý, 4 làng nghề: Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo và Xâm Xuyên (cùng ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) có gắn kết với du lịch, bước đầu đạt kết quả tốt.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, trước đây, toàn thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, tuy nhiên, cuối năm 2021, qua rà soát chỉ còn 806 làng, giảm 544 làng. Năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều làng nghề đình trệ, đặc biệt là các làng nghề có sản phẩm xuất khẩu và gắn với du lịch.

Hà Nội: “Tiếp sức” cho làng nghề
Nghề mộc truyền thống tại xã Liên Hà đã tạo công ăn việc làm ổn định cho mọi người dân từ già đến trẻ.

Qua khảo sát và ghi nhận, gần đây, sau khi dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, hoạt động của nhiều làng nghề đang dần sôi động trở lại, đóng góp chung vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điển hình như tại Đan Phượng, một huyện ngoại thành Hà Nội.

Thuộc dải đất ven sông Hồng, Đan Phượng tập trung rất nhiều làng nghề truyền thống. Nếu như xã Hồng Hà nổi tiếng với nghề nấu rượu và làm đậu phụ, xã Liên Trung có nghề xẻ gỗ thì xã Liên Hà lại nổi tiếng với nghề chế biến đồ mộc dân dụng. Hiện, cả xã có hàng trăm xưởng sản xuất đồ mộc lớn, nhỏ cung cấp sản phẩm giường tủ, bàn ghế… cho thị trường cả nước.

Có mặt tại xã Liên Hà giữa những ngày hè nắng nóng, tuy nhiên hoạt động sản xuất tại đây vẫn rất nhộn nhịp.

Xã Liên Hà có 3 thôn: Thượng, Đoài, Quý – cả 3 đều làm nghề, thu hút hơn 1.000 hộ tham gia. Trong đó, hơn 20 hộ đã thành lập công ty, doanh nghiệp, còn lại là các hộ sản xuất. Ở đây, hộ sản xuất lớn, đầu tư máy móc và nhà xưởng lên tới hàng tỷ đồng, hộ sản xuất nhỏ cũng đầu tư từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Nhờ nghề này mà nhà cao tầng trong xã mọc lên san sát, tỷ phú ở xã không hiếm, nhất là lứa tuổi trẻ 30-45 tuổi. Đây là lực lượng chính trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nghề mộc ở Liên Hà.

Bảo tồn làng nghề, phát triển kinh tế nông thôn
Ở xã Liên Hà, nhiều hộ sản xuất lớn, đầu tư máy móc và nhà xưởng lên tới hàng tỷ đồng, hộ sản xuất nhỏ cũng đầu tư từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.

Nghề làm đồ gỗ nội thất tại Liên Hà đã tồn tại hơn 200 năm nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ và chưa được đầu tư nên không thực sự phát triển. Chỉ sau những quan tâm sát sao của chính quyền địa phương, cùng sự cần cù chăm chỉ của người dân nơi đây đã khiến làng nghề ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Chủ tịch UBND xã Liên Hà Nguyễn Quang Lục cho biết, nghề mộc ở xã phát triển đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 94% lao động trong xã và gần 4.000 lao động ngoài xã. Thu nhập bình quân trên địa bàn đã đạt 75,5 triệu đồng/người/năm. Cuối năm 2021, xã được thành phố đánh giá là một trong 5 xã đầu tiên của Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Là huyện đã hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới, nhiều làng nghề tại huyện Thạch Thất như mộc Chàng Sơn, Canh Nậu, mây tre đan Bình Phú, chè lam Thạch Xá… cũng đã góp phần làm nên thành quả này nhờ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục nghìn lao động. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, ở các làng có nghề, thu nhập của người lao động đạt cao và gần như không có hộ nghèo.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cũng cho biết, xác định hỗ trợ làng nghề phát triển sẽ giúp xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững nên huyện tiếp tục hỗ trợ cơ sở ngành nghề nông thôn, hộ sản xuất trong làng nghề tham gia hội chợ, triển lãm, lễ hội nhằm quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

Là cơ quan tổng hợp, trình UBND thành phố Hà Nội về cơ chế, chính sách, biện pháp khuyến khích phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Sở tiếp tục tham mưu UBND Thành phố ban hành các chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội trong giai đoạn 2021-2025 và xa hơn.

“Trước mắt, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực làng nghề; lớp truyền nghề, nhân cấy nghề; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại làng nghề gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố”, ông Chu Phú Mỹ thông tin.