Tinh hoa làng nghề điêu khắc Dư Dụ Bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch Luồng gió mới ở làng nghề

Chúng tôi về làng nghề Phú Bình ở phường 5, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đúng dịp các hộ dân đang hối hả làm lồng đèn để cung ứng cho mùa Trung thu. Trong nhà ngoài ngõ rực rỡ màu sắc lồng đèn, không khí làm việc hăng say, nét rạng ngời, vui vẻ luôn hiện trên khuôn mặt mỗi người dân tại đây.

Những nghệ nhân ngày đêm giữ nghề

Nơi đây có những nghệ nhân vẫn ngày đêm giữ nghề, tạo ra những chiếc đèn Trung thu thủ công tinh xảo, góp phần đem lại niềm hạnh phúc lớn lao cho mỗi đứa trẻ trong mỗi độ Trung thu, lễ Tết.

Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan các hộ dân làm lồng đèn, ông Nguyễn Đình Chiến vừa kể nghề làm lồng đèn có nguồn gốc từ Nam Định, Hà Nam. Cách đây hơn 50 năm, các nghệ nhân thời đầu đã mang vào phát triển ở TP.HCM và hình thành nên làng nghề Phú Bình. Những năm 1990 là thời kì hưng thịnh nhất của lồng đèn Phú Bình, khi đó ngoài cung cấp cho toàn miền Nam thì còn xuất khẩu sang Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc…

Nhưng chỉ ít lâu sau, xóm lồng đèn Phú Bình dần bị “tàn phá” vì không cạnh tranh được với lồng đèn nhựa mẫu mã bắt mắt của Trung Quốc. Người làng bỏ nghề gần hết, từ hơn trăm hộ chỉ còn sót lại hơn chục hộ dân vẫn cố gắng bám trụ với lồng đèn giấy kiếng. Từ đó, con đường rực rỡ màu sắc của lồng đèn dẫn vào làng Phú Bình cũng nhạt dần, chỉ còn lác đác vài hộ dân vẫn bám trụ với nghề.

Làng nghề lồng đèn Phú Bình sinh tồn giữa thời hiện đại

Ông Chiến là hộ gia đình hiếm hoi vẫn "giữ lửa" với nghề làm lồng đèn giấy kiếng truyền thống.

“Khoảng 5 năm trở lại đây, lồng đèn truyền thống làm bằng tre, giấy kiếng được người dân tìm về sử dụng nhiều hơn, nên làng Phú Bình mới dần hồi sinh trở lại. Nhiều đơn đặt hàng hơn nên cuộc sống của người dân cũng đỡ vất vả và cái nghề truyền thống của cha ông cũng được duy trì lâu hơn”, ông Chiến nói.

Theo lời kể của ông Chiến, công việc làm đèn không khó nhưng lại tốn thời gian và nhiều công đoạn khác nhau. Để có được một chiếc đèn lồng đẹp và chắc chắn thì công đoạn chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng. Tre làm lồng đèn phải là loại tre già còn tươi, để đảm bảo độ bền và tránh mối mọt. Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ.

“Nghề làm lồng đèn công đoạn nào cũng thủ công, để có chiếc lồng đèn đẹp và chắc chắn cũng nhờ bí quyết của các ông cha thời trước để lại. Làm được một chiếc lồng đèn là cả thời gian dài chuẩn bị từ nhiều tháng. Kiếm được miếng ăn từ lồng đèn không dễ gì, nên bây giờ nghề làm đèn lồng chỉ còn đâu đó hơn 10 hộ dân bám trụ, còn các hộ dân khác đều đổi nghề để mưu sinh”, ông Chiến chia sẻ.

Làng nghề lồng đèn Phú Bình sinh tồn giữa thời hiện đại

Lồng đèn giấy kiếng được làm thủ công tốn nhiều thời gian và công sức.

Truyền nhân qua 4 thế hệ, đến nay chị Nguyễn Kim Thu đã có kinh nghiệm làm lồng đèn hơn 20 năm. Cả gia đình chị Thu hiện tại ai cũng thạo nghề, kể cả chồng hay con nhỏ đều làm được lồng đèn một cách điêu luyện. “Nghề này làm cả năm nhưng chỉ hái được thành quả trong vài tuần, nhất là dịp Trung thu và dịp Tết. Năm nay đơn hàng nhiều nên cũng đỡ, gia đình vừa có thêm thu nhập vừa duy trì được nghề”, chị Thu chia sẻ.

Đôi tay thoăn thoắt luồn miếng giấy kiếng vào khung tre một cách khéo léo, giống như chiếc máy được lập trình từ trước, chị Thu giữ chặt chiếc khung, dùng keo thoa lên phần viền rồi dán miếng giấy kiếng, sau đó dùng sơn tạo thành những hình vẽ vui nhộn và rực rỡ lên lồng đèn.

Để chứng minh kỹ thuật điêu luyện của mình, chị Thu trình diễn làm chiếc đèn lồng con gà trống, đây được xem là một trong những loại lồng đèn phức tạp với nhiều công đoạn tỉ mỉ. Dưới bàn tay chai sạn đầy những vết sẹo nhỏ do tre nứa gây ra, chừng 20 phút chiếc đèn con gà trống đã thành hình.

Đổi mới để tồn tại

Tham quan làng nghề Phú Bình, chúng tôi nhận ra các hộ dân còn bám trụ với nghề đã cố gắng thay đổi để thích nghi với cuộc sống hiện đại. Nhiều mẫu mã lạ mắt, nhiều loại giấy, nhiều sản phẩm theo “trend” được ra đời… Cùng với đó, sản phẩm đã được bày bán trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội để tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, không chỉ ở TP.HCM mà các tỉnh, thành khác.

Cách nhà của ông Chiến không xa, gia đình ông Nguyễn Bình nổi tiếng là hộ làm lồng đèn lớn nhất nhì làng. Ông Bình cho biết, thời gian quan, ngoài việc cung cấp cho những đại lý, ông còn nhờ con cháu đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Qua đó tiếp cận được nhiều người hơn, quảng bá hình ảnh lồng đèn thủ công đến nhiều đối tượng hơn.

Làng nghề lồng đèn Phú Bình sinh tồn giữa thời hiện đại

Ông Bình khéo léo uốn dây thép làm khung cho lồng đèn.

“Mình đăng lên mạng thì người ta dễ tìm đến mình hơn, chỉ cần lên mạng gõ là ra. Nhiều khi địa chỉ nhà mình khó tìm, nhiều người đến đặt hàng tìm đường khó khăn. Thay vì đó họ nhắn tin, đặt hàng trực tuyến cho tiện lợi”, ông Bình nói.

Ông Bình là thế hệ thứ 2 tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, các thành viên trong nhà ai cũng thạo nghề. Nhưng nghề làm lồng đèn không phải nghề ăn chính, vì hoạt động sản xuất và bán lồng đèn chỉ nhộn nhịp trong một tháng mùa Trung thu. Hiện nay, mỗi chiếc lồng đèn có giá 10.000 - 15.000 đồng/chiếc nhỏ, 70.000 đồng/chiếc lớn, tiền lời chỉ chừng 2.000 - 5.000 đồng/chiếc. Để sống được với nghề, gia đình ông Bình phải làm thêm các công việc khác, dành dụm kỹ lưỡng mới có tiền đủ trang trải và bám nghề.

Mẫu mã đa dạng, bán được trên nhiều nền tảng hơn, tiếp cận nhiều người hơn thì cái giá trị của nghề làm lồng đèn cũng được nâng lên – vừa là giá trị kinh tế vừa là giá trị truyền thống, như lời của ông Bình, dù người theo nghề không còn nhiều như trước nhưng giá trị của nghề vẫn còn mãi, cho đến khi nào người dân không còn nhớ đến sản phẩm lồng đèn truyền thống của Phú Bình.

Làng nghề lồng đèn Phú Bình sinh tồn giữa thời hiện đại
Lồng đèn truyền thống và hiện đại được bày bán chung với nhau tại đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, TP.HCM.

Hiện nay, bên cạnh đèn ngôi sao truyền thống, để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, người làm nghề ở Phú Bình còn sáng tạo ra nhiều loại lồng đèn với hình thức đa dạng hơn như hình 12 con giáp và những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, dễ thương, hình Bác Hồ, hình biển đảo quê hương... mang tính chất giáo dục trẻ em.

Dù thị trường không thiếu những sản phẩm đồ chơi Trung thu hiện đại, công nghệ cao, bắt mắt nhưng những chiếc lồng đèn giấy kiếng được làm bằng tay của các hộ dân ở làng Phú Bình vẫn là một món quà Trung thu đặc biệt và mang nhiều ý nghĩa. Thấy những đứa trẻ thành thị đi chơi Trung thu với chiếc lồng đèn giấy kiếng do chính mình tạo ra, những hộ dân ở làng Phú Bình ai cũng cảm thấy ấm lòng và lấy đó làm động lực, quyết tâm giữ nghề.