Tinh hoa làng nghề điêu khắc Dư Dụ
Hà Nội nỗ lực hết mình giữ lại di sản của phố thị Thăng Long xưa Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phục hồi tích cực Du lịch Hà Nội tiến bước dài trên hành trình phục hồi |
Từ trung tâm Hà Nội đi về phía Tây Nam, theo đường trục Cienco 5 khoảng 20km thì đến đầu làng nghề Dư Dụ. Từ xa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng lách cách rộn ràng của nhát đục, nhát gõ và âm thanh của tiếng cưa, xẻ gỗ.
Chạy dọc theo trục đường trải nhựa khang trang, đến các ngõ, ngách, dễ dàng cảm nhận được mùi gỗ mới, mùi của nước sơn lan tỏa trong không gian yên bình của một làng nghề vốn có truyền thống lâu đời.
Người thợ điêu khắc ở làng Dư Dụ miệt mài tạo ra những tượng gỗ độc đáo. (Ảnh: NC) |
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thanh Thùy Nguyễn Văn Đạo chia sẻ, dù trời nắng hay mưa, dẫu là cái lạnh tê tái của mùa đông hay cái nóng oi bức của mùa hè thì người thợ điêu khắc làng Dư Dụ vẫn thoăn thoắt tay đưa đục, làm ra những sản phẩm để trưng bày, trang trí nội thất hay những bức tượng bề thế cho những ngôi chùa từ Bắc vào Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, sản phẩm phổ biến nhất của làng nghề hiện nay là những bức tượng như ông Phúc, Lộc, Thọ, Phật Di Lặc,... - biểu tượng của sự yên vui, may mắn. Những sản phẩm ấy được làm ra bởi những con người rất đỗi bình dị, họ chuyên cần làm công việc đòi hỏi sự khéo léo trong từng chi tiết. Nào là những đường lượn cho cái bụng ấm no của ông Di Lạc, vừa căng tròn lại thêm cái miệng cười tươi rất yêu đời, là gương mặt hiền từ và cái tai trường thọ của đức Thích Ca Mâu Ni...
“Trên từng thớ gỗ người thợ bố trí sao cho những đường vân của khối gỗ được rơi vào đúng những điểm đặc biệt để nhấn mạnh ý nghĩa, vừa tạo sự phù hợp vừa mang nét “độc nhất vô nhị” mà những người trong nghề và sành chơi đồ gỗ mới có thể cảm nhận được. Thậm chí, có nhiều sản phẩm người nghệ nhân phải miệt mài “đục, đẽo” trong đêm, vì khi đó, dưới ánh đèn, vùng sáng, vùng tối, hình khối của bức tượng mới được thể hiện rõ.
Những tác phẩm điêu khắc được làm ra từ kỹ năng của người thợ làng Dư Dụ đã đạt đến mức “thượng thừa” về nghệ thuật điêu khắc được thể hiện qua đôi bàn tay khéo léo. Kể cả những mẫu sản phẩm mới đến với người thợ làng Dư Dụ cũng chỉ là “chuyện thường ở phố huyện” bởi cái căn cơ của nghề thấm vào tiềm thức họ”, ông Đạo cho biết.
Với hơn 30 năm trong nghề, Nghệ nhân Nguyễn Công Trưởng bắt đầu thực hiện những sản phẩm điêu khắc của mình từ khi lên 10 tuổi. Đến nay đã sở hữu một xưởng sản xuất với quy mô 10 thợ điêu khắc tay nghề cao, anh Trưởng chia sẻ, mỗi cơ sở sản xuất ở Dư Dụ đều có những mẫu mã rất đa dạng và phong phú.
Từ những mảnh gỗ nhỏ, thô kệch, bình thường mà có khi nhiều người nghĩ chỉ dùng làm củi đun cũng ngại, nhưng khi đặt vào bàn tay và khối óc người thợ Dư Dụ, mảnh gỗ ấy bỗng có hồn và trở thành một sản phẩm, một tác phẩm nghệ thuật hữu ích. Sản phẩm được người thợ điêu khắc thổi hồn vào từng dáng đứng, dáng người và đặc biệt chú trọng đến từng họa tiết nhỏ nhất của sản phẩm.
Là làng nghề đã bao đời “cha truyền con nối” nên người dân ở đây từ đứa trẻ lên 10 đến những người thợ già vẫn luôn từng ngày, từng giờ mài giũa, đục khắc, “đẽo” cái hoa tay của mình để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tô điểm cho đời.
Nghệ nhân Nguyễn Công Trưởng đang cần mẫn hoàn thiện tác phẩm của mình. (Ảnh: NC) |
Chỉ vào bức tượng Phật đang được hoàn thiện trong xưởng, Nghệ nhân Nguyễn Công Trưởng bày tỏ: “Đối với người khác thì đoạn gỗ lũa này chẳng thể làm gì được, nhưng nhìn qua người thợ chúng tôi đã thấy dáng của vị Tổ sư Bồ Đề Lạt Ma với vạt áo cà sa ẩn hiện trong làn mây mờ và cây gậy huyền bích. Chỉ cần kỳ công thêm là đã trở thành một sản phẩm có một không hai”.
Đối với những người làm nghề, ngoài việc tuân thủ chặt chẽ luật của nghệ thuật: Cân đối, hài hòa, mực thước thì họ còn phải tính toán theo quy luật âm dương - ngũ hành, thuật phong thủy của bức tượng.
Giá trị của bức tượng gỗ là phải mang đậm tính triết lý phương Đông, phải tuân thủ một cách chặt chẽ về cả chất liệu, kích thước, cách sắp đặt, màu sắc sao cho đúng với 8 quẻ trong bát quái. Hướng Nam theo bát quái là âm Hoả, có tính nóng nên phù hợp với các màu rực rỡ như đỏ, vàng và ứng với mùa hè và cung danh vọng. Hướng Tây là âm Kim phù hợp với các màu sáng, trắng, ứng với mùa thu và cung quý tử. Còn hướng Bắc vốn là dương thuỷ, phù hợp với các màu tối như đen, tro, nâu thẫm, ứng với mùa đông và cung sự nghiệp…
Thêm nữa, việc đặt các bức tượng ở các vị trí phù hợp là hết sức quan trọng, nó ảnh hưởng đến sức khoẻ, sự nghiệp, tài lộc, tài trí… của gia chủ. Hầu hết, mỗi bức tượng đều có liên quan đến các cung trong nhà, ví dụ tượng Phật Di Lặc vào cung Phú Quý trong nhà; cung Quý Nhân đặt tượng Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Quan Công, Đạt Ma Tổ Sư… Tượng phật Di Lặc là biểu tượng cho sự an lạc, vui vẻ, may mắn và hạnh phúc, là vật phẩm tôn kính trong phong thủy, khi trưng bày trong nhà sẽ mang lại rất nhiều điều tốt lành cho gia chủ. Tượng Phúc-Lộc-Thọ tượng trưng cho 3 vị thần này trong nhà để thu hút vượng khí chủ về phúc, lộc, thọ. Gia chủ sẽ may mắn về kinh doanh, tiền bạc và là biểu tượng dùng để biến hung thành cát trong công việc.
Theo ông Nguyễn Xuân Chánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Thùy, ở làng Dư Dụ, trên 90% người dân làm nghề điêu khắc, nhưng có điều lạ là chưa có một người nào nhận mình là nghệ nhân (dù nhiều người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân), họ chỉ nhận mình là người thợ lành nghề.
Sự phát triển của nghề truyền thống là nền tảng để xã Thanh Thùy hoàn thành xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: Hồng Quang) |
Về già họ vẫn miệt mài truyền lại những kinh nghiệm quý báu của cả cuộc đời mình cho thế hệ sau, để dù qua bao năm tháng và biết bao thăng trầm của lịch sử, những tuyệt kỹ của nghề chạm khắc Dư Dụ vẫn không bị mai một. Bởi vậy nên cũng không ai biết nghề điêu khắc Dư Dụ có từ khi nào, chỉ biết rằng trong đình của làng thờ ông tổ làng nghề cũng đã trên 500 năm.
Thời Vua Minh Mạng đã từng mời hàng chục người thợ của làng nghề Dư Dụ vào kinh đô Huế góp phần xây dựng cung đình nguy nga tráng lệ của nhà Nguyễn. Cảm phục tài năng của những người thợ, Vua Minh Mạng đã ban sắc phong cùng nhà cửa, ruộng vườn, bổng lộc ngay tại kinh đô Huế. Sau này những người thợ Dư Dụ đã ở lại Huế và lập thành làng Túc (tên làng trước đây của Dư Dụ).
Trong hai cuộc kháng chiến, làng nghề Dư Dụ như bao vùng quê khác tạm gác công việc của mình; người lên đường tham gia chiến đấu, người ở nhà thì tích cực tăng gia, sản xuất. Năm 1978, làng nghề mới được khôi phục lại và hoạt động cho đến ngày nay.
“Sản phẩm làng nghề Dư Dụ đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Hầu hết, các tỉnh đều có gian hàng của làng nghề Dư Dụ, nhiều nhất là thành phố Hồ Chí Minh, cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn... Những sản phẩm điêu khắc của làng Dư Dụ cũng đã được xuất khẩu ra nước ngoài và khẳng định là một trong những địa phương sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đẹp nhất của Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Chánh chia sẻ.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng với các ngành nghề khác, những người thợ làm nghề truyền thống, trong đó có nghề điêu khắc Dư Dụ cũng phải gánh chịu nhiều thiệt hại.
“Cùng với việc triển khai nghiêm túc, bài bản, hiệu quả các chính sách hỗ trợ, để làng nghề truyền thống sớm phục hồi, phát triển. Chúng tôi cũng đang chủ động rà soát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những hộ gia đình làm nghề ở làng để tổng hợp, từ đó tiếp tục đề xuất huyện, thành phố Hà Nội có thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ làng nghề phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế”, ông Nguyễn Xuân Chánh cho biết.
Bình luận