Định hướng lớn để phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới Thúc đẩy kết nối giao thông, phát triển nhanh, bền vững công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng

Chú trọng đầu tư công nghệ

Thường Tín được biết đến là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo và nuôi dưỡng nhiều thế hệ nghệ nhân, thợ lành nghề, tạo ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, trở thành hàng hóa có giá trị nghệ thuật, kinh tế cao được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Để đáp ứng tiến độ giao hàng, nâng tầm chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường nhiều hộ kinh doanh ở xã Hiền Giang (huyện Thường Tín) đã quyết định đầu tư máy móc chuyên để thay thế lao động thủ công trong sản xuất các sản phẩm gỗ mỹ nghệ. Đơn cử như hộ ông Lê Vũ Ước.

Ông Lê Vũ Ước đã đầu tư máy đục tượng CNC - dòng máy đục gỗ vi tính tự động hóa hiện nay, thay vì đục đẽo thủ công thì nay chỉ cần sử dụng bản mẫu 4D có sẵn trong kho mẫu hoặc mẫu theo đơn đặt hàng, hoặc có thể dùng máy scan 4D để quét mẫu tượng cần làm và máy sẽ tự động thi công.

Từ những mẫu mã đơn giản đến phức tạp, các sản phẩm của gỗ điêu khắc và tượng gỗ đều được làm một cách cẩn thận và có uy tín với số lượng lớn, kích thước đồng đều được người tiêu dùng ưa chuộng. Người tiêu dùng cũng đã có những nhận thức nhất định về những sản phẩm chất lượng cao được sản xuất trong nước.

Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phục hồi tích cực
Các sản phẩm gỗ điêu khắc và tượng gỗ của nhiều hộ kinh doanh ở xã Hiền Giang (huyện Thường Tín) được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngoài ra, chất lượng của sản phẩm được làm ra từ máy CNC có độ tinh xảo và tỷ mỉ không kém gì sản phẩm được làm ra từ bàn tay tài hoa của những người thợ mộc lành nghề. Đặc biệt, máy đục tượng CNC VHT3012-10T30 có công suất 5 tạ/ngày và có thể chạy liên tục trong 20h nên năng suất gấp đôi so với thủ công. Từ đó, rút ngắn thời gian sản xuất, tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Việc ứng dụng công nghệ máy đục chuyên dụng CNC VHT3012-10T30 thay thế lao động thủ công trong sản xuất các sản phẩm gỗ mỹ nghệ đã giúp hộ kinh doanh Lê Vũ Ước chủ động trong sản xuất, cung cấp các sản phẩm tượng gỗ mỹ nghệ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu tiêu chuẩn chất lượng cao, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất, cũng như giúp các mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp hướng đến sản xuất sạch hơn.

Cũng theo ghi nhận tại làng nghề Lụa Vạn Phúc, là một trong 3 làng nghề đang có đóng góp tích cực vào làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của quận Hà Đông. Hoạt động dệt lụa, cắt may, kinh doanh đã có phần nhộn nhịp trở lại. Dù một số xưởng sản xuất lụa vẫn chưa hoạt động hết công suất, nhưng những nghệ nhân ở đây cho biết, khách du lịch và mua sắm đã dần trở lại làng nghề nhiều hơn sau dịch.

Đáng chú ý, trong thời gian giãn cách do dịch, các nghệ nhân đều đã tìm tòi đưa công nghệ vào để sản xuất các mẫu hoa văn mới. Đối với những xưởng may, nghệ nhân cũng thiết kế ra những mẫu trang phục mới đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cho biết: “Dịch bệnh qua đi, cơ sở sản xuất đã tìm tòi ứng dụng các công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, thiết kế các mẫu trang phục mới đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Chỉ mong khách hàng đến với Lụa Vạn Phúc nhiều hơn”.

Chị Hồng Tươi, một khách hàng đến mua sắm ở Làng lụa Vạn Phúc cho biết: “Năm nào tôi cũng cùng bạn bè đến làng Lụa để mua quần áo. Năm nay hết dịch bệnh chúng tôi đã đi một số nơi tham quan, trong đó có làng Lụa Vạn Phúc. Mặc dù dịch bệnh như vậy, nhưng các nghệ nhân ở đây sáng tạo khá nhiều mẫu mã mới. Giá các mặt hàng như xăng dầu, chi phí vận chuyển tăng nhưng giá bán quần áo ở đây vẫn giữ ổn định, phải chăng, hợp túi tiền của nhiều người”.

Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phục hồi tích cực
Làng nghề Lụa Vạn Phúc là một trong 3 làng nghề đang có đóng góp tích cực vào làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của quận Hà Đông.

Ngoài làng Lụa Vạn Phúc, các làng nghề Mộc Thượng Mạo, Rèn Đa Sỹ cũng để chú trọng đổi mới mẫu mã nhằm thu hút khách hàng mua sắm. Sự đổi mới của làng nghề Đa Sỹ còn có sự hỗ trợ tích cực của Chính quyền địa phường.

Nói về vấn đề này, ông Trịnh Quốc Ân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường Kiến Hưng cho biết: “Chúng tôi luôn động viên nhân dân đẩy mạnh phát triển làng nghề. UBND phường phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho các hộ vay vốn phát triển sản xuất. Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã nghề rèn, xây dựng thương hiệu. Các sản phẩm đưa ra ngoài thị trường đều đáp ứng nhu cầu của khách hàng và có uy tín trên thị trường”.

Vượt qua khó khăn

Mặc dù dịch bệnh đã qua đi, nhưng các cơ sở sản xuất của quận Hà Đông, trong đó có làng nghề còn gặp không ít khó khăn. Dù vậy, nhưng các đơn vị, cá nhân hộ gia đình đều đang nỗ lực vượt khó.

Nghệ nhân dệt lụa Trần Thị Ngọc Lan chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 qua đi, nhưng làng nghề Lụa Vạn Phúc còn rất nhiều khó khăn. Cụ thể, giá xăng tăng cao khiến giá tơ nhập từ Lâm Đồng tăng. Thị trường quốc tế đang bị đứt gãy nguồn cung do căng thẳng tại Ukraine trong thời gian qua đã khiến giá nguyên liệu nhuộm nhập từ nước ngoài tăng cao và có một số nguyên liệu chưa thể nhập được. Do đó, hoạt động sản xuất có nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, nhưng những nghệ nhân rất yêu nghề, chỉ mong Nhà nước đẩy mạnh quảng bá cho hoạt động làng nghề, thu hút khách đến nhiều hơn để thúc đẩy sản xuất phát triển”.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thời gian qua Quận ủy, UBND quận Hà Đông đã đánh giá những khó khăn xây dựng giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông Nguyễn Việt Long cho biết: Quận ủy, UBND quận đã đánh giá những khó khăn của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng như các làng nghề. Trên cơ sở đó đưa ra các chính sách để hỗ trợ sản xuất. Trong đó, quận chú trọng chính sách khuyến công, đó là đào tạo mới và đào tạo nâng cao tay nghề cho người thợ trong doanh nghiệp và các làng nghề.

Đồng thời, đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại vào sản xuất. Hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như hình ảnh làng nghề tới người tiêu dùng. Giới thiệu cho các doanh nghiệp tiếp cận lớp tập huấn về quản trị kinh doanh, maketing, để các đơn vị nâng cao quản trị doanh nghiệp, tăng cường giới thiệu sản phẩm trên các kênh thông tin”.

Tính trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất ngành công nghiệp của quận Hà Đông ước đạt trên 14.659,2 tỷ đồng, tăng 9,75% so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 43% so với kế hoạch năm.

Trong đó, giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt trên 48,5 triệu USD tăng hơn 14,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,44% so với kế hoạch năm. Những ngành nghề chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của quận là sản xuất trang phục chiếm tỷ trọng 13,4% toàn ngành, tăng 10% so cùng kỳ năm trước.

Ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm từ kim loại chiếm tỷ trọng 10% trong tổng toàn ngành, tăng gần 10,3% so cùng kỳ năm trước. Ngành sản xuất thiết bị điện chiếm tỷ trọng gần 8,5% toàn ngành, tăng gần 9,6% so với cùng kỳ và ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ chiếm tỷ trọng gần 7,3% toàn ngành, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận Hà Đông 6 tháng đầu năm 2022 vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá. Các sản phẩm chủ đạo của địa phương dần chiếm lĩnh được thị trường, giá cả phù hợp, mẫu mã đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, có sức cạnh tranh cao đối với những sản phẩm ngoại cùng loại.