Du lịch Hà Nội tiến bước dài trên hành trình phục hồi
Du lịch Hà Nội: Nhiều giải pháp kích cầu phục hồi sau đại dịch Quảng bá du lịch Hà Nội đậm nét dịp SEA Games 31 |
"Sau cơn mưa trời lại sáng"
Đại dịch Covid-19 khiến các chỉ tiêu về lượng khách, tổng thu từ khách du lịch tại Hà Nội năm 2021 giảm sâu so với năm 2020. Hà Nội chỉ đón 4 triệu lượt khách du lịch nội địa trong năm 2021, bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt 23%, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 11,28 nghìn tỷ đồng.
Các kết quả hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy ngành du lịch Hà Nội đã có bước tiến dài trong quá trình phục hồi. Việc Hà Nội tổ chức thành công SEA Games 31 cũng tạo cú hích lớn cho ngành du lịch Thủ đô. Với 8,61 triệu lượt khách và tổng thu 25,2 nghìn tỷ đồng, lượng khách và tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022 đều gấp khoảng 3 lần cùng kỳ năm trước và gấp hơn 2 lần cả năm 2021.
Du khách quốc tế tham quan Hà Nội dịp SEA Games 31 hồi tháng 5/2022. |
Nếu như năm 2021 phần lớn doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú tại Hà Nội phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, thì hiện nay các đơn vị này dần khắc phục khó khăn và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao đạt khoảng 30,1%; tăng 6,11% so với cùng kỳ năm 2021.
Chỉ trong thời gian ngắn, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều các sản phẩm du lịch để thu hút du khách như tour "Đêm thiêng liêng 2" của di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour xe buýt 2 tầng khám phá Hà Nội, tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tour xe đạp khám phá nhiều cung đường mới trong nội thành và ngoại thành Hà Nội; khai thác trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tour “Dấu chân làng cổ Bát Tràng”…
Trong 5 tháng đầu năm 2022, Hà Nội cũng nâng tổng số khu, điểm du lịch được công nhận trên địa bàn lên 24 khu, điểm; với việc công nhận 3 điểm đến là Di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Điểm du lịch sinh thái Hoàng Long.
Hoạt động du lịch đã náo nhiệt trở lại, với hàng loạt sự kiện được tổ chức quy mô, hấp dẫn như chương trình Du lịch Hà Nội chào 2022, lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2022, lễ hội Ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội… Trong dịp kỷ niệm 62 năm Ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2022), Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch Hà Nội và Cuộc thi ảnh du lịch Hà Nội (nhận hồ sơ dự thi từ ngày 1/6 - 31/7/2022) nhằm xây dựng dữ liệu phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Thủ đô.
Du khách chụp ảnh check-in tại lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội. |
Chuẩn bị cho giai đoạn mới
Bước sang giai đoạn phục hồi, ngành du lịch Hà Nội xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của Thủ đô như du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE. Sở Du lịch Hà Nội cũng chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn khởi động các sản phẩm du lịch; chỉ đạo các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19.
Các sản phẩm du lịch mới, độc đáo được khuyến khích nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, như bay khinh khí cầu ở Ba Vì; du lịch thể thao, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, sản phẩm du lịch văn hóa đêm, ẩm thực tại khu vực phố cổ…
Tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long. |
Ngành du lịch Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch số 73/KH-UBND về phát triển du lịch nông nghiệp, trong đó tập trung đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại làng cổ Đường Lâm, làng nghề Hồng Vân, mô hình du lịch trang trại nông nghiệp tại huyện Đan Phượng, du lịch trang trại Vạn An xã Yên Mỹ, làng nghề dệt huyện Mỹ Đức, mô hình du lịch trang trại hữu cơ Hoa Viên, huyện Thạch Thất.
Hà Nội cũng mở rộng liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng để phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp, du lịch di sản văn hóa; sẽ hình thành các tuyến du lịch như chùa Hương – Tam Chúc – Bái Đính, Hồ Gươm – Tràng An – vịnh Hạ Long, Hà Nội – Lai Châu – Hà Giang, Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La… Đồng thời, Hà Nội tổ chức nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại các địa phương và hỗ trợ các địa phương quảng bá du lịch tại Thủ đô.
Năm 2022, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch và phát động thị trường tại nước ngoài sẽ được khôi phục để tăng cường thu hút du khách quốc tế. Dự kiến ngành du lịch Hà Nội sẽ tham gia hội chợ TOPRESA (Pháp), hội chợ JATA (Nhật Bản). Các hoạt động quảng bá trực tuyến vẫn được duy trì, như trên kênh CNN quốc tế và nền tảng trực tuyến. Sở Du lịch Hà Nội cũng đang nghiên cứu xây dựng các trang mạng xã hội chuyên nghiệp để quảng bá du lịch Thủ đô, phục vụ đa dạng đối tượng du khách./.
Hải Nam/VOV.VN
https://vov.vn/du-lich/du-lich-ha-noi-tien-buoc-dai-tren-hanh-trinh-phuc-hoi-post955150.vov
Bình luận