10 loại thuế thu nhập cá nhân phải nộp Chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, người dân mòn mỏi đợi sửa luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 29/5, các đại biểu đã thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024 với nhiều kết quả tích cực.

Tuy có nhiều khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, tình hình mâu thuẫn địa chính trị, địa kinh tế, xung đột cục bộ diễn ra hết sức khốc liệt, có nguy cơ kéo dài, dẫn tới hình thành các khối, cực cạnh tranh gay gắt với nhiều hình thức, vừa chia cắt, vừa bảo hộ thị trường, vừa làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đi ngược lại quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đã có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến nền kinh tế nước ta.

Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) phát biểu ý kiến.

“Trong sự bất ổn đó của nền kinh tế thế giới, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhất là tận dụng những cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia, đem lại những động lực mới cho nền kinh tế”, đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ.

Để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới dựa trên lợi thế so sánh quốc gia, đại biểu tỉnh Điện Biên cho rằng, bên cạnh việc cần khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan thì cần có các cơ chế, chính sách hết sức cụ thể để có thể chuyển hóa tiềm năng thành hành động thực tế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí chế biến, chế tạo, luyện kim, dệt may, da giày… Phát triển khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng, nhất là khi xu thế đầu tư tư nhân có dấu hiệu giảm đáng kể so với giai đoạn trước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, tăng trưởng tín dụng thấp.

Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân
Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Cũng bày tỏ nhất trí với báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Trần Thị Quỳnh (Đoàn tỉnh Nam Định) nêu, khép lại năm 2023, kinh tế tiếp tục ghi dấu ấn khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, lạm phát được kiểm soát, chỉ số PMI tháng 4/2024 tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm, qua đó cho thấy sức khỏe ngành sản xuất được cải thiện nhẹ và là lần cải thiện thứ 3 trong bốn tháng qua.

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4/2024 tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu tăng theo giá nguyên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,07% so với tháng 3, so với tháng 12/2023 tăng 1,19% và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước...

Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân
Đại biểu Trần Thị Quỳnh (Đoàn tỉnh Nam Định) phát biểu ý kiến.

Theo đại biểu Trần Thị Quỳnh, hiện nay, kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột giữa một số nước là nguyên nhân gây áp lực lên giá năng lượng. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có những thách thức, đây cũng là trở ngại đối với triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. Vì vậy, phải có những chính sách mạnh mẽ hơn đến từ chính sách tài khóa.

“Trong nhiều năm của đại dịch Covid-19 và bối cảnh lạm phát, thu nhập thực của doanh nghiệp và người dân bị sụt giảm. Trong thời gian qua, dù nền kinh tế gặp khó khăn nhưng những tháng đầu năm lại thặng dư ngân sách, đây là dấu hiệu không tốt của chính sách tài khóa. Chính sách tài khóa chưa thực sự nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, Chính phủ nên nới lỏng chính sách tài khóa bằng biện pháp giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân”, đại biểu Trần Thị Quỳnh nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn tỉnh Hải Dương) phát biểu ý kiến.

Bày tỏ đồng tình với các giải pháp của Chính phủ đưa ra để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn tỉnh Hải Dương) đề nghị Chính phủ phân tích cụ thể hơn tác động của các dự án luật vừa được Quốc hội thông qua có tác động lớn đến các trụ cột tăng trưởng, đặc biệt đánh giá kỹ về công tác chuẩn bị các văn bản dưới luật để triển khai Luật Đất đai và một số luật liên quan đến thị trường bất động sản đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với quy luật thị trường, tháo gỡ các vướng mắc khiến thị trường bất động sản tắc nghẽn và mất cân đối như hiện nay.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Chính phủ phân tích đánh giá kỹ lưỡng hơn về tiến độ thi công các dự án trọng điểm quốc gia; việc huy động nguồn vốn trung và dài hạn từ kênh trái phiếu Chính phủ.

Hoàng Phúc