Phụ nữ Thanh Oai ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp xanh Đưa sản phẩm nghề truyền thống vươn xa Cô gái Hà Nội thổi hồn vào nhung lụa, góp phần hồi sinh làng nghề thêu truyền thống

Nghề sơn mài Hạ Thái có từ khoảng thế kỷ 17 với nghề sơn đồ nét. Dù chưa phải cái nôi của nghề sơn mài Việt Nam, nhưng phường sơn Hạ Thái xưa kia từng tạo nên uy tín lớn vì có nhiều thợ tài hoa, sáng tạo. Hiện làng nghề có hàng chục cơ sở sản xuất và hơn 200 cơ sở kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, sơn mài...

Luồng gió mới ở làng nghề
Một tác phẩm bích họa do các họa sĩ trẻ thể hiện tại làng nghề sơn mài Hạ Thái.

Những họa sĩ về làng…

Từ lời giới thiệu của bạn bè, anh Nguyễn Văn Ðức, một Việt kiều Ðức đang đầu tư khách sạn ở Hội An muốn mua tranh sơn mài để trang trí đã liên hệ với các nghệ sĩ Hà Nội để nhận sự tư vấn. Ai cũng nghĩ ngay tới làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái, nơi mới được UBND thành phố Hà Nội công nhận Ðiểm du lịch làng nghề của thành phố.

Một chiều hè, các nghệ sĩ Hà Nội đưa anh Ðức về làng nghề Hạ Thái để đặt mua tranh. Bách bộ quanh làng, rẽ qua nhà này, xưởng kia, cho đến khi thăm xưởng của họa sĩ Trần Công Dũng thì khách hàng đến từ phương xa thật sự ấn tượng trước những bông hoa sen được cách điệu, giản lược và vẽ trên nền vóc hình tròn với nhiều mầu sắc. Bất ngờ hơn, tất cả đều được làm bởi tay nghề điêu luyện, tài hoa của những người thợ làng nghề sơn mài Hạ Thái.

Họa sĩ Trần Công Dũng chỉ đảm nhận vẽ thiết kế ban đầu bằng mầu trên giấy và thợ sẽ tiếp tục công việc thể hiện tác phẩm đó trên chất liệu chính. Những mặt bàn, mặt tủ, lọ hoa… đang hiện ra trong vẻ đẹp cuốn hút, quyến rũ khách hàng cũng được họa sĩ phủ sơn mài với họa tiết sen trên nền vỏ trứng nhuộm mầu. Theo anh Ðức, cách thể hiện mới lạ đã góp phần dung hòa thẩm mỹ truyền thống với hiện đại, rất phù hợp nhu cầu của phần lớn khách hàng hiện nay. Ðặc biệt, với những nhà hàng, khách sạn sẽ đón khách quốc tế trong bối cảnh mới lại càng phù hợp để lan tỏa giá trị tinh hoa dân tộc.

Khi đã thấy đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí đề ra, một hợp đồng giá trị lớn được thỏa thuận thành công giữa vị khách phương xa và họa sĩ Trần Công Dũng. Dũng "dị" là biệt danh bạn bè trong giới gọi anh. Trần Công Dũng sinh năm 1969, tốt nghiệp Khoa Sơn mài, Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, hiện sống bằng nghề đúng nghĩa. Biệt danh khá phù hợp với anh, bởi những tác phẩm anh vẽ hoặc thiết kế mỹ thuật rất khác biệt, mới lạ. Thí dụ, những cánh cửa gỗ truyền thống bạc màu thời gian đong đầy ký ức được Trần Công Dũng vẽ mải miết, đằm sâu, suốt ngày này qua tháng nọ. Hình ảnh những chiếc xe đạp cũ oằn mình mưu sinh như những người chủ của nó cũng được anh khắc họa có hồn, sinh động, đong đầy xúc cảm.

Từ năm 2008, Trần Công Dũng về làng nghề sơn mài Hạ Thái sống và mở xưởng mỹ nghệ. Kể từ đó, làng nghề có thêm nhiều sản phẩm với sự kết hợp giữa nền tảng thủ công mỹ nghệ sẵn có và sáng tạo mỹ thuật của họa sĩ. Về tận xưởng, chứng kiến họa sĩ lăn lộn, miệt mài với nghề, mới cảm nhận được niềm đam mê, sáng tạo của anh và của những nghệ nhân trong làng. Xuất thân, tư duy… khác nhau, nhưng họ đã cùng nhau làm ra biết bao sản phẩm vừa lòng khách hàng. Ðiều đặc biệt phía sau từng xưởng sơn mài là những câu chuyện xúc động về nghĩa tình, lòng tin và hoài bão. Như chính họ đã nhận định, đam mê thôi chưa đủ, phải thật sự yêu làng quê Việt Nam, mong mỏi về một sự gắn bó, cống hiến lâu dài, như mình là người con thuộc về miền quê ấy, thì mới có giá trị tốt đẹp hôm nay.

Quay ngược thời gian về tháng 5/2020, chúng tôi đã có dịp chiêm ngưỡng bức tranh sơn mài khổ lớn được làm tại làng sơn mài Hạ Thái. Khi nhận được hợp đồng chế tác bức tranh kích thước gần 100m2, họa sĩ Tô Ngọc Trang đã về làng Hạ Thái và kết hợp với nhiều họa sĩ, nghệ nhân ở làng để cùng thể hiện. Ðó là tác phẩm miêu tả vẻ đẹp của thế giới thủy cung trong vẻ lung linh, huyền ảo… được họa sĩ nhân hóa, cách điệu qua nhiều hình tượng các sinh vật dưới biển được vẽ bằng chất liệu sơn mài với kỹ thuật truyền thống và đương đại.

Tranh được chia thành những tấm nhỏ có móc treo phía sau để khi lắp đặt sẽ ghép thành tấm lớn. Sau khi hoàn thiện bức tranh và bàn giao thành công cho chủ đầu tư, họa sĩ Tô Ngọc Trang đã cùng vợ mình thuê nhà và xưởng tại làng để cư trú lâu dài. Hiện tại, ngoài sáng tác, họa sĩ Tô Ngọc Trang còn mở lớp dạy vẽ trang trí và hình họa cơ bản cho nhiều thanh thiếu niên ở làng Hạ Thái với mong muốn sẽ có một thế hệ trẻ kế tục truyền thống của làng và tiếp thu giá trị đổi mới của mỹ thuật, xu hướng hội nhập.

Luồng gió mới ở làng nghề -0
Họa sĩ Tô Ngọc Trang dạy vẽ cho các em nhỏ tại làng nghề sơn mài Hạ Thái.

Nỗ lực làm mới làng nghề

Ở làng nghề Hạ Thái, luôn có một đội ngũ họa sĩ ấp ủ hoài bão kết hợp nền tảng sơn mài truyền thống với phong cách vẽ hiện đại trên chất liệu sơn mài. Thực tế cho thấy, nhiều làng nghề cũng đã nhen nhóm sự kết hợp đó nhưng chưa thành công. Vậy lý do gì khiến Hạ Thái quy tụ được nhiều họa sĩ và sự kết hợp với làng nghề luôn tốt đẹp, thuận lợi? Theo các họa sĩ đang sinh sống, làm nghề tại đây, văn hóa truyền thống và những điều kiện hiện có của làng tạo nên nhiều yếu tố thuận lợi cho họa sĩ, khiến họ cảm thấy tự tin để sáng tạo.

Ở đây, các họa sĩ có thể thuê nhà kết hợp xưởng với giá rẻ, bên cạnh đó là nguồn nhân công khá dồi dào, có tay nghề cao, giá hợp lý. Họa sĩ Nguyễn Tiến Ngọc cho biết, từ khi về làng Hạ Thái làm nghề, anh không phải lo những khâu kỹ thuật cơ bản, như: Làm vóc, lót nền hoặc toát (phủ bóng) tranh, vì việc đó người làng làm rất thạo, thậm chí cả các em thiếu niên sau giờ học cũng có thể làm một cách dễ dàng. Như vậy, họa sĩ có thể thỏa sức sáng tạo, tập trung thể hiện đường nét, mầu sắc và các thủ pháp nghệ thuật của riêng mình. Họa sĩ Nguyễn Tiến Ngọc tâm sự, về làng nghề, anh và các đồng nghiệp được biết và học thêm nhiều bí quyết sơn mài truyền thống, họ như được chắp thêm cánh để bay bổng trong ý tưởng nghệ thuật.

Một trường hợp tương tự là họa sĩ Nguyễn Xuân Việt với tài nghệ của mình đã làm mới những bức tranh sen vốn được mặc định một đề tài quen thuộc và đã thành thương hiệu của làng nghề Hạ Thái. Anh áp dụng phương pháp vẽ cổ điển kết hợp những mảng, miếng của sơn mài truyền thống, đồng thời cộng hưởng với kỹ thuật lót bạc dưới, vẽ "vờn" mầu mỏng bên trên. Sau khi khô, lớp bạc lót dưới ánh lên mầu sắc hài hòa, tôn mảng mầu bên trên thêm phần nổi bật, tinh tế. Hoặc đơn cử như để thể hiện bóng nắng chiều trên mặt hồ sen, họa sĩ đã thếp vàng rồi phủ sơn cánh gián để tạo chất nhìn mỹ cảm. Ðây là những kỹ thuật sơn mài truyền thống độc đáo.

Thí dụ thành công rõ nét nhất ở làng Hạ Thái phải kể tới sự kết hợp giữa họa sĩ Trần Ðình Bình và nghệ nhân Ðỗ Hùng Chiêu, chủ cơ sở sơn mài An Huy. Các họa sĩ và nghệ nhân đã cùng tạo nên một phong cách tranh sơn mài mới, độc và lạ. Ở đây là tranh sơn mài với mầu sắc hiện đại, vẽ tả thực, tỉ mỉ đến từng chi tiết trên khổ lớn với nhiều đề tài hợp với thị hiếu đương thời. Nhờ có nhiều yếu tố thuận lợi như mặt bằng rộng, nhân công dồi dào, chất liệu thể hiện ngồn ngộn, cùng thương hiệu sơn mài Hạ Thái uy tín, sản phẩm kết hợp chung đã có mặt ở khắp thị trường trong nước và nước ngoài.

Có lần, Ðại sứ Phạm Sanh Châu qua thăm làng và muốn tìm một nhóm quà tặng, ông đã rất thích những bức tranh của họa sĩ Trần Ðình Bình, đồng thời mong muốn tổ chức một buổi triển lãm tranh sơn mài thật ấn tượng để cho các quan khách ngoại giao quốc tế có dịp thưởng lãm tinh hoa sơn mài dân tộc. Với những cơ sở kiểu này, họa sĩ không còn ký tên mình dưới tranh nữa mà một tác phẩm sẽ mang dấu ấn thương hiệu để khẳng định sự kết hợp và nỗ lực tập thể.

Dù đã có những bước phát triển đầy kỳ vọng khi "làn gió mới" ùa tới làng, nhưng, theo nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái, cũng là người vẽ tranh sơn mài có tiếng ở làng, nghề sơn mài Hạ Thái vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một bởi số lượng người dân theo nghề còn thấp và quan trọng nhất là việc tìm đầu ra cho các sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Tranh sơn mài của làng hiện chưa nhiều mẫu mã mới để phù hợp thị hiếu hiện đại.

Do đó, để giữ gìn và phát triển nghề sơn mài của làng thì người làm nghề cần phải sáng tạo, đa dạng hóa các sản phẩm. Cùng tâm tư trên, nghệ nhân Vũ Huy Mến cho biết, bản thân ông ngoài nghề truyền thống ra còn phải học nhiều về hình họa, bố cục mầu sắc bài bản chính quy mới có thể sáng tác những mẫu tranh riêng của mình. Có nhiều họa sĩ chuyên nghiệp về làng làm việc đã tạo nên sự phong phú, khởi sắc mà không chỉ riêng Hạ Thái, làng nghề nào cũng cần.

Việc được công nhận là Ðiểm du lịch làng nghề của thành phố đã mở ra một bước ngoặt mới trong hành trình phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của làng nghề sơn mài Hạ Thái nói riêng và xã Duyên Thái nói chung. Ðã và đang có thêm nhiều họa sĩ "bỏ phố về làng" lập nghiệp, tạo nên sắc thái, cảm hứng mới cho làng.

Nỗ lực của những họa sĩ đã giúp sơn mài Hạ Thái trở thành một trong những thương hiệu dẫn đầu cả nước và bắt đầu hành trình chinh phục các thị trường lớn trên thế giới. Trong tương lai gần, có thể làng nghề Hạ Thái sẽ được nhắc đến như "làng họa sĩ sơn mài" bên cạnh cái tên truyền thống đã đi vào lịch sử. Ðể làm được điều này, chính các họa sĩ nhận định, họ sẽ phải bước qua những câu chuyện cá nhân, hòa nhịp vào đời sống, văn hóa của làng như một người con với quê hương thứ hai, thì sự kết hợp mới trở nên nhuần nhuyễn, bản sắc và bền vững.

Theo Lê Bích/nhandan.vn

https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/luong-gio-moi-o-lang-nghe-703593/