Tôn vinh nét đẹp làng lụa Vạn Phúc Chương trình “Tinh hoa làng nghề, sản phẩm OCOP Hà Nội 2023” sẽ diễn ra từ 26-29/10 56 sản phẩm đạt giải tại Hội thi sản phẩm làng nghề thành phố Hà Nội

Thủ đô Hà Nội là cái nôi của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Hiện, toàn Thành phố có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 23 quận, huyện, thị xã. Trong đó, có 274 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 48 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề, bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 69 làng nghề; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 197 làng nghề; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 13 làng nghề; xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 16 làng nghề; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 5 làng nghề.

Tinh hoa làng nghề điêu khắc gỗ
Thành phố Hà Nội đã và đang tập trung bảo tồn, phát triển làng nghề, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Ảnh: Đinh Luyện

Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, như: sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu, ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, sản phẩm cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm (bánh, bún, kẹo, giò chả, bánh chưng, chè…).

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, sự phát triển làng nghề tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ việc làm đối với người trong độ tuổi lao động mà còn giải quyết việc làm thêm cho cả người già, người khuyết tật, trẻ em. Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Hiện, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, mức thu nhập bình quân phổ biến ở mức 4 - 5,5 triệu đồng/lao động/tháng. Các làng nghề khác nhau, mức thu nhập của các lao động cũng có sự khác nhau như: làng nghề mây tre đan thu nhập bình quân lao động đạt 11,2 triệu đồng/người/tháng, điêu khắc mỹ nghệ bình quân lao động đạt 10 triệu đồng/tháng. Đặc biệt gần đây các làng nghề trồng hoa, cây cảnh phát triển rất mạnh như: Làng nghề trồng hoa Giấy Phù Đổng, thu nhập bình quân lao động đạt 26 triệu đồng/người/tháng; Làng nghề hoa mai trắng thôn An Hòa thu nhập bình quân lao động 17 triệu đồng/người/tháng.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; hỗ trợ phát triển làng nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống làng nghề của Thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, hàng năm, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về làng nghề, ngành nghề nông thôn, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, kinh tế hộ và trang trại, gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Bên cạnh đó, nhằm góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho các sản phẩm, thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội chợ, tuần hàng, hội thi, lễ hội, tham gia hội chợ trong nước và quốc tế để tôn vinh các sản phẩm làng nghề; tạo sân chơi và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm để gìn giữ bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của làng nghề; phát huy ý tưởng mới, tạo tác ra những tác phẩm mới phù hợp hội nhập với nhu cầu của thị trường đương đại trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng đã và đang chủ động phối hợp với các đơn vị của Trung ương và các tổ chức trong nước, quốc tế để thực hiện hiệu quả chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề từ đó sẽ góp phần nâng cao ý thức cho những làng nghề truyền thống tập trung hơn vào đổi mới sáng tạo, hình thức mẫu mã… để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa gìn giữ được những bản sắc văn hóa hồn cốt của quê hương đất nước đồng thời có những bước cải tiến đột phá phù hợp xu thế hiện đại hội nhập, khẳng định vị thế của sản phẩm làng nghề Hà Nội “Hội tụ - kết tinh - lan tỏa” với cả nước và trên thị trường quốc tế.