“Đòn bẩy” tạo sức bật mới cho kinh tế nông thôn Hà Nội Bảo tồn làng nghề, phát triển kinh tế nông thôn Nâng cao năng lực và hiệu quả của kinh tế tập thể

Kinh tế nông nghiệp là điểm tựa

Xác định kinh tế nông thôn là “điểm tựa” của ngành kinh tế trong tiến trình xây dựng NTM, những năm qua, xã Vĩnh Quỳnh quan tâm đầu tư xây dựng mương thủy lợi nội đồng, tổ chức nạo vét thường xuyên. Chỉ đạo đưa các giống lúa mới năng suất cao vào sản xuất đạt hiệu quả. Năng suất lúa bình quân đạt 62,87 tạ/ha.

Cùng với đó, xã triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, trong đó thôn Vĩnh Ninh thực hiện trên vùng sản xuất tập trung diện tích 120 ha thực hiện cơ giới hóa đồng bộ. Hiệu quả đầu tư đưa cơ giới hóa vào sản xuất tăng từ 1,15 - 1,2 lần so với lao động thủ công. Xã đã triển khai áp dụng nhiều mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, hình thành vùng sản xuất tập trung các giống Thiên ưu, BT09, LT2… diện tích 120 ha tại thôn Vĩnh Ninh.

Kinh tế nông thôn: Điểm tựa xây dựng nông thôn mới
Các xã của huyện Thanh Trì cơ giới hóa nông nghiệp để tăng năng suất lao động

Đối với công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy mô đàn gia súc, gia cầm năm 2023 của xã Vĩnh Quỳnh đạt 100 con trâu, bò; 280 con lợn; 6.680 con gia cầm (chủ yếu là gà nuôi lấy thịt và đẻ trứng). Về thủy sản đạt diện tích 79,4 ha, chủ yếu là ao hồ nhỏ, nằm trong khu dân cư được các hộ dân cải tạo đưa vào nuôi thủy sản bán thâm canh. Sản lượng cá hàng năm đạt khoảng 133 tấn.

Ông Nguyễn Đình Thuật - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Quỳnh cho biết, công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề cũng được xã đẩy mạnh. Giá trị công nghiệp, xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,4% so với cùng kỳ, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,9%, ngành xây dựng có xu hướng phát triển mạnh hơn tăng 9,7%. Giá trị sản xuất thương mại dịch vụ tăng 15,8%.

Ngoài ra, xã còn duy trì và phát triển các ngành nghề như gò, hàn, mộc, sửa chữa xe máy, khung nhôm kính, thầu xây dựng, buôn bán vật liệu xây dựng. Để nâng cao trình độ của người lao động trên địa bàn xã, hàng năm xã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì mở từ 2 - 4 lớp học nghề cho lao động nông thôn để hỗ trợ bà con nông dân làm kinh tế.

Còn tại xã Tam Hiệp, hằng năm, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và các hợp tác xã đều ban hành Nghị quyết, xây dựng Kế hoạch lãnh đạo sản xuất, phòng chống thiên tai, tập huấn khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững.

Kinh tế nông thôn: Điểm tựa xây dựng nông thôn mới
Kinh tế nông nghiệp là điểm tựa để các xã cán đích nông thôn mới

Theo ông Đỗ Văn Ấu - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Hiệp, xã đã động viên nhân dân phát triển sản xuất; chăm sóc lúa và rau màu vụ xuân với tổng diện tích 129,18 ha. Trong đó có 30,7 ha lúa, 58,48 ha rau màu, diện tích nuôi thuỷ sản là 40 ha. Số lượng gia súc 420 con, gia cầm 4.200 con; duy trì nuôi thả 40 ha thủy sản, năng suất ước đạt 54 tạ/ha, sản lượng ước đạt 216 tấn. Trên địa bàn có có 3 hợp tác xã hoạt động hiệu quả có doanh thu từ 830 - 1,4 tỷ đồng/năm.

Tại xã Duyên Hà, sản xuất nông nghiệp được Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã quan tâm chỉ đạo, đảm bảo tốt các điều kiện cần thiết phục vụ sản xuất. Triển khai sản xuất trong khung thời vụ, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh đối với cây trồng và vật nuôi.

Xã vận động nhân dân sản xuất đa dạng các chủng loại rau màu, các loại rau ăn lá để nâng cao hiệu quả sản xuất rau an toàn; tiếp tục ra cây và chăm sóc cây trồng đối với vùng trồng cây ăn quả. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của xã ước đạt 26,5 tỷ đồng.

Tạo nội lực bền vững từ làng nghề

Cùng với việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, huyện Thanh Trì luôn chú trọng đầu tư, gìn giữ, phát triển các làng nghề truyền thống, làng có nghề để tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đây cũng là cách để Thanh Trì tạo nội lực bền vững trong xây dựng NTM.

Ví dụ như làng nghề may thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng đã thu hút khoảng 225 hộ tham gia sản xuất, trong đó có khoảng 25 công ty, cơ sở sản xuất lớn có từ 30 - 50 công nhân và 200 hộ sản xuất nhỏ lẻ, số lượng sản phẩm sản xuất hàng năm của các hộ ước khoảng 5 triệu sản phẩm, doanh thu bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng/cơ sở/năm đối với cơ sở lớn và khoảng 900 triệu đồng/hộ/năm. Đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập bình quân năm 2022 của người làm nghề ước đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng.

Kinh tế nông thôn: Điểm tựa xây dựng nông thôn mới
Làng nghề rượu hoa cúc xã Tam Hiệp

Làng nghề làm miến dong, bánh đa Phú Diễn theo thống kê năm 2022 của huyện Thanh Trì đạt 39 tỷ đồng, thu nhập cho người lao động từ 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. Hay như tổng doanh thu của làng nghề truyền thống bánh Tranh Khúc đạt khoảng 95 tỷ đồng, thu nhập đạt từ 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Còn đối với làng nghề dệt Triều Khúc, tổng doanh thu của làng nghề bình quân ước đạt khoảng 35 tỷ đồng/cơ sở/năm, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Thanh Trì thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề nhằm đẩy mạnh quảng bá và giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tiến Cường - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì cho biết, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, huyện Thanh Trì tiếp tục thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể; đẩy mạnh phát triển hợp tác xã, trang trại. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên nền phát triển công nghiệp - thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025”.

Kinh tế nông thôn: Điểm tựa xây dựng nông thôn mới
Làng nghề truyền thống bánh trung thu xã Liên Ninh

Thời gian tới, huyện Thanh Trì tiếp tục tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao; ưu tiên phát triển sản xuất và chế biến nông sản theo liên kết chuỗi, khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, thuận lợi cho quá trình truy xuất sản phẩm.

Cùng với đó là chuyển đổi mạnh mẽ các mô hình sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ, củng cố, phát triển các vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại các xã; tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do Thành phố và Trung ương tổ chức để đưa các sản phẩm OCOP của huyện tới các hệ thống phân phối rộng hơn trong thành phố Hà Nội và trên toàn quốc.

Vừa qua, huyện Thanh Trì đã có 8 xã được thành phố Hà Nội thẩm định, xét duyệt hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Cả 8 xã đều có nền kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, đa lĩnh vực. Qua đó cho thấy, kinh tế nông thôn đã và đang là nội lực để đưa các xã cán đích NTM kiểu mẫu, đưa huyện Thanh Trì về đích NTM nâng cao, hoàn thành mục tiêu phát triển huyện thành quận.

Bảo Thoa