Thanh Trì: Nâng cao năng lực quản lý di tích, lễ hội Kinh tế nông thôn: Điểm tựa xây dựng nông thôn mới Nữ cựu chiến binh giỏi kinh doanh, mê làm việc thiện Phát triển làng nghề truyền thống nhờ nguồn vốn Ngân hàng chính sách

Nhìn trang trại cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của gia đình chị Ngô Thị Năm ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì hôm nay, khó có thể ngờ chỉ cách đây vài năm, chị Ngô Thị Năm vẫn còn loay hoay tìm hướng đi làm kinh tế thoát nghèo. Giờ đây, mỗi năm trang trại mang đến thu nhập cho gia đình chị từ 200 - 300 triệu đồng.

Nhờ vay được nguồn vốn tín dụng 100 triệu đồng từ sự hỗ trợ của Hội phụ nữ, chị Năm đã thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ tổng hợp. Thu nhập cao không chỉ giúp chị trang trải cuộc sống mà còn nâng cao đời sống, tích lũy vươn lên làm giàu.

Thanh Trì: Hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế từ vốn tín dụng chính sách
Hộ gia đình chị Kiều Thị Dung làm trang trại cây ăn quả cam canh, kết hợp chăn nuôi, mỗi năm thu nhập 300-400 triệu đồng

Còn chị Kiều Thị Dung, hội viên phụ nữ xã Vạn Phúc thì đi lên từ vốn vay tín dụng 50 triệu đồng. Mô hình trang trại trồng cam canh kết hợp chăn nuôi của gia đình chị Dung cho thu nhập cao, mỗi năm từ 300 - 400 triệu đồng.

Không chỉ làm kinh tế, chị Dung còn nhiệt tình tham gia các hoạt động do địa phương phát động và thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm khoa học kỹ thuật trong chăm sóc cam canh cho các hội viên khác. Bên cạnh đó, chị Dung còn hướng dẫn các hộ trồng cam áp dụng phương pháp ủ phân vi sinh để bón cho cây cam, vừa bảo vệ môi trường, vừa thúc đẩy cây cam sinh trưởng phát triển tốt, mang lại sản phẩm sạch, giá thành cao.

Còn nhiều mô hình khởi nghiệp thành công nhờ nguồn vốn tín dụng được các cấp hội phụ nữ huyện Thanh Trì hỗ trợ. Có thể kể đến hộ gia đình chị Lã Thị Lịch ở xã Vạn Phúc, vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để khởi nghiệp kinh doanh với nghề truyền thống mây tre đan, đến nay chị đã tạo thêm việc làm thường xuyên cho 5 - 6 lao động nữ, với mức thu nhập 4 - 5triệu đồng/người/tháng.

Chị Lã Thị Thêm xã Vạn Phúc vay nguồn vốn giải quyết việc làm để trồng cây ăn quả, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Chị Vũ Thị Thanh Hằng ở xã Tân Triều vay vốn giải quyết việc làm để khởi nghiệp thành công với nghề cắt may thời trang, tạo việc làm cho 2 - 3 lao động nữ với mức thu nhập 5 - 6triệu đồng/ người/tháng.

Thanh Trì: Hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế từ vốn tín dụng chính sách
Trang trại cây ăn quả kết hợp chăn nuôi của hộ gia đình chị Ngô Thị Năm

Chị Phạm Thị Lan ở xã Đông Mỹ khởi nghiệp với mức vốn vay 50 triệu đồng, gia đình chị đã phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản. Năm 2023 thu nhập gia đình chị đạt trên 600 triệu đồng/năm, từng bước nâng cao đời sống kinh tế của gia đình. Và còn nhiều gương phụ nữ phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bà Phạm Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Trì cho biết, tiếp tục triển khai công tác vốn vay tín dụng chính sách, trong những tháng đầu năm 2024, các cấp Hội trên địa bàn huyện Thanh Trì đã nỗ lực trong triển khai, thực hiện hoạt động uỷ thác, đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với phụ nữ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác giúp họ phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Trong những năm qua, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp” trên địa bàn huyện, Hội phụ nữ các cấp huyện Thanh Trì đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ vốn cho phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Từ đó nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện bình đẳng giới, tiếp tục phát huy truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Thanh Trì: Hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế từ vốn tín dụng chính sách
Phụ nữ khởi nghiệp với mây tre đan nhờ được hỗ trợ nguồn vốn tín dụng

Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đưa các chương trình tín dụng đến đúng tay đối tượng được thụ hưởng, đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả của đồng vốn tín dụng ưu đãi, giúp nhiều chị em, hội viên tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.

Với nguồn vốn vay năm sau cao hơn năm trước, đến nay, dư nợ Hội nhận ủy thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã đạt trên 222 tỷ đồng, cho trên 4.300 hội viên vay vốn, không có nợ quá hạn. Từ đó nhiều hội viên, phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; phụ nữ thuộc diện hộ cận nghèo có điều kiện phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, sử dụng nước sạch, xây dựng nhà vệ sinh hợp vệ sinh.

Bà Phạm Thị Bích Thủy cũng cho biết, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Trì ủy thác cho hội viên phụ nữ vay vốn. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, đảm bảo 100% nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Tăng cường chỉ đạo các cơ sở hội thực hiện tốt các nội dung ủy thác, tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, góp phần tăng trưởng dư nợ vốn vay do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện quản lý.

Bảo Thoa