Tìm giải pháp đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu cho các làng nghề Tiên phong ứng dụng công nghệ để phát triển nghề truyền thống Nâng cao hiệu quả hoạt động làng nghề tiểu thủ công nghiệp

Năm 2022, Làng nghề sản xuất bánh, kẹo Nội Am đón nhận tin vui khi được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu "Làng nghề Hà Nội". Đây là tiền đề để nâng tầm giá trị sản phẩm làng nghề, phát triển kinh tế địa phương, tạo động lực để người dân thêm gắn bó với nghề truyền thống của quê hương.

Người dân làng nghề chủ động quảng bá sản phẩm

Có dịp về thôn Nội Am vào thời điểm Tết Trung thu sắp đến, tôi cảm nhận mùi hương bánh trung thu lan tỏa trong không khí yên bình của làng nghề. Hương vị bánh Trung thu truyền thống mà mỗi người Việt đều nhận ra dù ở bất cứ đâu.

Phát huy giá trị làng nghề: Hướng đi mới của Nội Am
Cơ sở sản xuất bánh Trung thu của hộ gia đình ông Hoàng Văn Tươi.

Gắn bó với nghề làm bánh Trung thu truyền thống từ lâu đời ở thôn Nội Am, ông Hoàng Văn Tươi, chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu Tiến Dũng - Vĩnh Thịnh Long cho biết, từ năm 1965, nhiều người dân ở Nội Am đi làm trên các tiệm bánh ở phố cổ Hà Nội, học được nghề và truyền lại cho con cháu để phát triển kinh tế.

Trong 15 năm trở lại đây, nghề sản xuất bánh, kẹo phát triển đem lại thu nhập chính cho gia đình ông và nhiều hộ gia đình khác trong thôn.

“Trước đây, bố tôi đi làm thợ cho tiệm bánh trên phố cổ Hà Nội rồi mang nghề về quê. Tôi duy trì nghề từ bố, tiếp tục truyền lại cho các con”, ông Tươi chia sẻ.

Hiện, gia đình ông Tươi làm nhiều loại bánh, trong đó đặc biệt nhất là bánh trung thu, bánh chả... với hương vị truyền thống của người Hà Nội. Không chỉ sản xuất bánh vào dịp Trung thu như xưa, hiện gia đình ông làm bánh quanh năm, cung cấp cho thị trường Hà Nội và các vùng lân cận.

Năm 2022, gia đình ông đã lựa chọn sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố và đạt OCOP 3 sao. Đây là sự khởi đầu để gia đình ông chuẩn hóa sản phẩm và quảng bá đến người tiêu dùng, qua đó nhiều người biết đến nghề làm bánh truyền thống của gia đình ông và quê hương Nội Am.

Theo ông Tươi, các gia đình ở Nội Am thường chỉ sản xuất bánh trung thu vị truyền thống nhân thập cẩm. Để làm nên chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống, phải kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu, xay bột, trộn nhân đến đổ bánh vào khuôn, nướng bánh. Khâu kỳ công nhất là làm nhân bánh bao gồm rất nhiều nguyên liệu như: mỡ phần làm chín, đường kính, mứt bí, mứt sen, lạp sườn, xá xíu, hạt dưa rang chín, hạt vừng rang chín, nước sạch, lá chanh, quất xanh…

Phát huy giá trị làng nghề: Hướng đi mới của Nội Am
Sản phẩm bánh kẹo của xã Liên Ninh được trưng bày tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội lần thứ X.

Thêm một loại bánh đặc trưng khi đến làng Nội Am, bất kỳ ai cũng muốn thưởng thức, đó là bánh chả. Bánh chả được làm từ bột mì, đường, thịt mỡ và lá chanh. Không có lá chanh không thành bánh chả. Bột làm vỏ bánh phải được ngào đều, mịn, ủ trong thời gian nhất định để lên men đủ độ thì bánh mới giòn và xốp. Bột ủ xong được dàn mỏng, đặt nhân vào bên trong, cán lại thành hình vuông rồi dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ, sau đó cho vào lò nướng.

Để khẳng định và nâng tầm sản phẩm làng nghề, các gia đình làm nghề thôn Nội Am không ngừng đầu tư trang thiết bị hiện đại vào các công đoạn như nhào nha, nướng bánh, đóng gói sản phẩm để nâng cao năng suất lao động, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các sản phẩm được dán nhãn mác, thời hạn sử dụng, địa chỉ sản xuất… thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng.

Lan tỏa tinh thần giữ lửa truyền thống làng nghề đến thế hệ trẻ

Truyền tải thông điệp “Hãy cùng giữ lửa truyền thống làng nghề” đến thế hệ trẻ và nhân dân địa phương, vừa qua, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội đồng Đội huyện Thanh Trì cùng xã Liên Ninh tổ chức Liên hoan Bàn tay vàng làng nghề truyền thống bánh Trung thu xã Liên Ninh năm 2023. Tham gia chương trình liên hoan có 7 hộ trực tiếp tham gia làm bánh gồm đại diện chủ hộ và đoàn viên, thanh niên là con em của chủ hộ kinh doanh và đoàn viên, thanh niên địa phương.

Đại diện thế hệ thanh niên của huyện Thanh Trì, Bí thư Huyện đoàn Thanh Trì Tạ Thu Sa cho biết, trải qua thời gian xây dựng, phát triển làng nghề, hiện nay, tại thôn Nội Am còn 11 hộ kinh doanh bánh Trung thu truyền thống. Từ tháng 7 âm lịch hằng năm, các cơ sở kinh doanh bắt đầu khởi động làm bánh, cao điểm từ 1/8 đến 15/8 âm lịch.

Bánh Trung thu có 2 vị truyền thống là nhân thập cẩm và đậu xanh. Để đáp ứng yêu cầu, bên cạnh sản phẩm truyền thống, các hộ còn đưa thêm các sản phẩm mới như bánh Trung thu nhân khoai môn, trà xanh, đậu đỏ.

Phát huy giá trị làng nghề: Hướng đi mới của Nội Am
Liên hoan Bàn tay vàng làng nghề truyền thống bánh Trung thu xã Liên Ninh năm 2023 là sự kiện ấn tượng, truyền tải thông điệp “Hãy cùng giữ lửa truyền thống làng nghề” đến thế hệ trẻ.

Làng nghề làm mứt kẹo, bánh Trung thu thôn Nội Am đã có truyền thống hơn 200 năm. Không chỉ có thế hệ ông cha vẫn luôn miệt mài làm nghề, giữ nghề mà ngày nay, thế hệ trẻ địa phương đã và đang giữ lửa, đồng thời thổi luồng gió mới vào nghề truyền thống bắt nhịp với sự phát triển của thời đại.

Trong thôn Nội Am có tới hơn một nửa số các hộ dân ở đây theo nghề truyền thống làm bánh Trung thu. Thế hệ con, cháu của các hộ sản xuất, kinh doanh bánh có nhiều người nối nghiệp theo nghề truyền thống. Đây cũng là một nghề ổn định, không chỉ mang lại thu nhập cho hộ kinh doanh mà còn tạo việc làm cho nhiều người lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Làng nghề sản xuất bánh, kẹo Nội Am được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” sẽ tạo tiền đề cho làng nghề phát triển, giúp người dân phát triển kinh tế và phát huy nét đẹp văn hóa của địa phương, tạo thêm động lực duy trì xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, hướng tới xây dựng Liên Ninh đạt xã Nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển thành phường ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Bảo Thoa - Thanh Hồng