Tiên phong ứng dụng công nghệ để phát triển nghề truyền thống
Nâng cao hiệu quả hoạt động làng nghề tiểu thủ công nghiệp Hà Nội còn 806 làng nghề và làng nghề truyền thống Làng gốm Bát Tràng thu hút nhiều gia đình trong dịp Lễ |
Trăn trở tìm hướng đi mới
Sinh ra và lớn lên tại làng Ngự Câu - nơi có nghề truyền thống tráng bánh đa nem và đã từng trực tiếp làm nghề tráng bánh bằng tay, ông Nam hiểu rõ khó khăn, vất vả của những người làm nghề. Theo ông Nam, trước đây, người dân trong làng tráng bánh bằng tay, một ngày chỉ tráng được 5kg gạo nhưng phải làm từ sáng sớm đến chiều tối.
Những năm gần đây, người dân trong làng đã chuyển sang tráng bánh bằng máy, năng suất được nâng cao hơn, thời gian tráng bánh rút ngắn hơn và đỡ vất vả hơn nhưng vẫn phải phơi trực tiếp dưới ánh nắng nên buộc phải phụ thuộc vào thời tiết. “Có những hôm, trời đổ cơn mưa vào đúng lúc cả nhà đang ăn cơm, tất cả phải bỏ bữa để “chạy bánh”, nếu không sẽ hỏng hết. Ngoài ra, vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, mặc dù nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lớn nhưng thời tiết lại thường xuyên có mưa phùn nên không thể tráng và phơi bánh”, ông Nam kể.
Ông Nam giới thiệu về quy trình làm bánh đa nem tại cơ sở sản xuất của gia đình. Ảnh: Mai Quý |
Để không bị phụ thuộc vào thời tiết và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nam quyết định phải dựng máy sấy để sấy bánh. Từ quyết định đó, ông đã tìm hiểu trên mạng Internet về những nơi cũng làm nghề tráng bánh như Tây Ninh, Hà Nam… Sau khi biết được ở trong Tây Ninh người dân sử dụng máy sấy để sấy bánh tráng, ông Nam đã dành 1 tháng để vào Tây Ninh tham khảo, nghiên cứu và nhờ đối tác về nhà mình để khảo sát, thiết kế, lắp đặt máy sấy.
Tháng 8/2017, gia đình ông Nam chính thức đưa máy sấy vào quy trình sản xuất bánh đa nem. Tổng số tiền đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị lên đến hơn 2,5 tỷ đồng. Ở thời điểm đó, ông Nam là người đầu tiên trong làng nghề Ngự Câu đưa máy sấy vào quy trình sản xuất bánh đa nem.
Luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu
Trực tiếp đến thăm thăm xưởng sản xuất của ông gia đình ông Nam và chứng kiến dây chuyền sản xuất từ chế biến nguyên liệu, đến tráng bánh, sấy bánh và đội ngũ nhân công hoạt động nhịp nhàng, chúng tôi đặc biệt chú ý đến máy sấy bánh - chiếc máy mà không phải hộ sản xuất bánh đa nem nào ở làng nghề Ngự Câu cũng có.
Khi được hỏi về việc sử dụng máy sấy thì chất lượng bánh sản xuất ra có đạt được như yêu cầu? ông Nam cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay thì chất lượng bánh sản xuất ra đảm bảo độ mềm dẻo và độ dày theo yêu cầu, không bị giòn, vỡ và được thị trường chấp nhận.
Cơ sở sản xuất bánh đa nem của gia đình ông Nam ứng dụng máy sấy vào quy trình sản xuất. Ảnh: Mai Quý |
Vậy trong khoảng thời gian từ tháng 8/2017 đến đầu năm 2019, chất lượng bánh sản xuất ra như thế nào?, chúng tôi tiếp tục hỏi. Sau câu hỏi của chúng tôi, ông Nam cho biết: “Phải mất hơn 1 năm đầu tiên, bánh làm ra không đạt yêu cầu, bị giòn và dễ vỡ. Có những lúc, tôi phải để trong nhà cả 15 - 20 tấn hàng vì không tiêu thụ được. Thời điểm đó, mọi người đều khuyên là bỏ không sử dụng máy sấy nữa, quay trở về phơi bánh thủ công nhưng tôi vẫn quyết tâm duy trì hoạt động và tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi giải pháp để khắc phục. Suốt quãng thời gian đó, tôi luôn trăn trở với câu hỏi “Làm thế nào để nâng công suất từ bánh tráng phơi sang bánh tráng sấy nhưng vẫn đảm bảo chất lượng?”.”
“Vì nguyên liệu làm bánh tráng Tây Ninh là bằng bột mì còn nguyên liệu làm bánh đa nem là bột gạo nên khi sử dụng máy sấy như ở trong Tây Ninh, sản phẩm làm ra sẽ không đạt yêu cầu, bị giòn và dễ vỡ. Với sự quyết tâm và vận dụng linh hoạt các kinh nghiệm, kiến thức của bản thân khi từng nhiều năm làm trong ngành nhựa và ngành cơ khí cũng như kinh nghiệm trong quá trình sản xuất bánh đa nem, tôi đã tìm ra được giải pháp để làm ra sản phẩm đạt chất lượng, năng suất và được thị trường chấp nhận”, ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, hiện mỗi tháng cơ sở của gia đình ông sản xuất được từ 7,5 tấn đến 8 tấn hàng, tổng doanh thu khoảng 350 triệu đồng/tháng. Vì luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nên cơ sở của ông trực tiếp nhập gạo từ nhà máy sản xuất gạo và sử dụng nước sạch trong quá trình sản xuất. Năm 2022, sản phẩm bánh đa nem của gia đình ông Nam tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và đạt 4 sao cấp huyện, 3 sao cấp Thành phố.
Chung sức vì sự phát triển của quê hương
Hiện cơ sở sản xuất của ông Nam đang tạo công ăn việc làm và thu nhập cho 10 lao động thường xuyên với mức lương dao động từ 7 - 8 triệu đồng/tháng và 5 lao động thời vụ với mức lương dao động từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Ông Nam chia sẻ: “Với mong muốn giúp đỡ được nhiều người, nhất là những người dân trong làng có việc làm, thu nhập, nên lao động làm tại cơ sở sản xuất của tôi chủ yếu là lao động lớn tuổi, là những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc không có gia đình. Khi vào làm việc, tất cả đều được đào tạo, tập huấn để đáp ứng yêu cầu công việc và yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động. Ngoài việc trả lương hàng tháng, vào dịp lễ tết người lao động cũng có thưởng và quà”.
Hiện cơ sở sản xuất của ông Nam đang tạo công ăn việc làm và thu nhập cho 10 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ. Ảnh: Mai Quý |
Làm việc tại cơ sở sản xuất của ông Nam đã hơn 3 năm, bà Nguyễn Thị Liên (61 tuổi, ở làng Ngự Câu, An Thượng, Hoài Đức) chia sẻ: “Bản thân tôi đã lớn tuổi, được làm việc ở cơ sở sản xuất bánh đa nem Nam Thành Công, ngay gần nhà và có thu nhập nên cuộc sống được đảm bảo. Đặc biệt, chủ cơ sở luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong quá trình chúng tôi làm việc nên tôi luôn nỗ lực để góp phần vào sự phát triển của cơ sở sản xuất”.
Ngoài việc tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh, với vai trò là hội viên Hội nông dân của xã An Thượng, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Ngự Câu, bản thân ông Nam luôn tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương vận động nhân dân ủng hộ các hoạt động xã hội, từ thiện, vì người nghèo và gia đình ông cũng trực tiếp ủng hộ để góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Mặc dù đã ứng dụng thành công máy sấy vào quá trình sản xuất bánh đa nem, đem lại năng suất, hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh nhưng ông Nam vẫn luôn đau đáu với suy nghĩ làm sao để phát triển làng nghề. Ông Nam chia sẻ, để thành công, cần 3 yếu tố chính là vốn, mặt bằng và kỹ thuật, bản thân ông sẵn sàng hỗ trợ các cơ sở khác về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của nhiều hộ sản xuất trong làng Ngự Câu là về mặt bằng. Vì vậy, ông luôn mong muốn Nhà nước bố trí quỹ đất để phát triển làng nghề, khi có quỹ đất thì các cơ sở sản xuất sẽ cùng đầu tư để gìn giữ nghề truyền thống và phát triển làng nghề.
Với những thành tích đã đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Quang Nam đã được Ủy ban nhân dân xã An Thượng tặng Giấy khen vì tích trong hoạt động của Hội nông dân xã An Thượng, nhiệm kỳ 2020 - 2022; được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Đức tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp huyện giai đoạn 2017 - 2019… |
Bình luận