Nữ cựu chiến binh giỏi kinh doanh, mê làm việc thiện
Người kỹ sư sáng tạo giúp nông dân khởi nghiệp thành công Bài học khởi nghiệp từ doanh nhân từng đứng trước 2 lần thất bại Chuyện người đưa hoa về... đất lúa! |
Lao động là “vàng mười”…
Gặp bà tại lễ vinh danh người cao tuổi làm kinh tế giỏi huyện Thanh Trì, khi được phỏng vấn, bà khiêm tốn nói: “Tôi cũng như bao doanh nhân khác, có gì đâu để viết”. Bà không muốn nhắc lại những điều người ta đã nói về doanh nghiệp vàng Bảo Tín, hay những bước đột phá của bà trong chuyện kinh doanh.
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại thôn Bình Vọng, xã Bạch Đằng, huyện Thường Tín (Hà Nội), bà Lương Thị Điểm chưa bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã làm. Bà luôn phấn đấu và cống hiến hết mình cho xã hội, cho thế hệ sau. Bà luôn tự hào vì con cháu của bà đều theo được nghề kim hoàn mà bà từng trải qua gian khổ gây dựng nên.
Bà Lương Thị Điểm |
Trong một lần lên phố bán vàng, thấy người ta có cái bễ giống cái bễ làm kim tiêm của nhà mình, bà Điểm quyết định mua thêm một vài đồ nghề đơn sơ để tìm tòi học hỏi nghề kim hoàn. Từ một người phụ nữ hằng ngày bán ốc luộc, khoai lang luộc ở cổng chợ Văn Điển, bà đã gây dựng nên thương hiệu vàng Bảo Tín vang danh.
Những hậu duệ của bà bây giờ, ai cũng thành công và khẳng định thương hiệu riêng của mỗi người dựa trên nền tảng vàng Bảo Tín. Còn hiện tại, ở tuổi gần 90, bà vẫn đang quản lý cửa hàng vàng Bảo Tín trên đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì cùng cô con gái út.
Bà Điểm chia sẻ: “Khi nào còn hơi thở, tôi còn gắn bó với Bảo Tín, nơi mà một đời tôi lao tâm khổ tứ xây dựng, nơi vợ chồng tôi lập nghiệp”. Mang theo tâm niệm ấy, nên dù tuổi đã cao, bà vẫn ngày ngày tự làm lấy các công việc cửa hàng, chứ nhất quyết không chịu nghỉ ngơi, an dưỡng.
Ngẫm lại thời chiến tranh, bà kể: Cũng như bao nam nữ thanh niên nhiệt huyết lên đường theo tiếng gọi của tổ quốc, bà xung kích lên tuyến đầu, làm dân quân đẩy xe đạn dược cho chiến dịch Điện Biên Phủ, góp sức bảo vệ quê hương. Những người con sinh ra nối tiếp nhau, người nào cầm súng được là đi bộ đội.
Đến thời bình, khó khăn chồng chất khó khăn, bà vẫn cùng con cháu xây dựng kinh tế. Bươn trải qua nhiều công việc, bà đã trụ lại với nghề kim hoàn. Quá trình để xây dựng một thương hiệu đồ sộ như ngày nay chính là sự nỗ lực vượt khó ngày đêm của người phụ nữ mang trong mình phẩm chất người lính.
Ở lứa tuổi gần 90, bà Lương Thị Điểm (giữa) vẫn là một doanh nhân khỏe mạnh, minh mẫn, xứng danh là người phụ nữ mang trong mình phẩm chất người lính. |
Từ một người chiến sĩ đến một người vợ và đến vai trò là một người mẹ, bà luôn mang lại những hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng đầy cốt cách văn hóa cho gia đình của mình. “Khi con cái muốn khởi nghiệp, tôi không dạy cho con kiếm tiền ngay, mà dạy cho con có Tâm - Tín - Tài - Tiền, như thế mới có được chữ tín với khách hàng, nếu kinh doanh để chữ tiền đứng lên trên thì hỏng. Có chữ tín dù có ít tiền vẫn buôn được, nợ hôm nay mai trả luôn, nợ tháng này tháng sau trả”, bà nói.
Nay tuổi đã cao, nhưng bà vẫn hăng say lao động mỗi ngày, bởi theo bà lao động là “vàng mười”. Bà cũng thường nói với các con: Nếu như cầm cái cân tiểu ly mà cân vàng thì phải có con người bằng vàng, nghĩa là tư tưởng, tính tình, phẩm chất đều phải như vàng mười, đạo đức phải như vàng.
“Góp gạo” cho người nghèo
Với bà Điểm, kiếm tiền đã khó, biết tiêu đồng tiền cho đúng ý nghĩa và sử dụng đồng tiền sao cho hợp lý càng khó nữa. Những buổi tề tựu đông đủ con cháu, bà thường xuyên nhắc nhở: “Khi xưa đói kém, Bác Hồ cũng đã phải ăn một bữa nhịn một bữa góp gạo cho người nghèo”.
Bởi thế, nhiều người dân ở huyện Thanh Trì đã quen với hình ảnh một bà cụ tóc bạc, chỉnh chu trong bộ áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam thường có mặt tại các buổi thiện nguyện, ủng hộ, tặng quà các hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hay đến gặp và trực tiếp động viên những con người có hoàn cảnh éo le, bất hạnh của địa phương.
Doanh nghiệp vàng Bảo Tín do bà Lương Thị Điểm làm chủ đã hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, đỡ đầu cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi… Với những người nghèo ở địa phương gặp khó khăn, bà đã cho vay hàng chục triệu đồng không tính lãi. Bà cũng là địa chỉ từ thiện thường xuyên của các hội có nhiều hội viên khó khăn của huyện như: Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Người mù, Hội Người cao tuổi, Hội Khuyết tật… Chỉ cần ở đâu, người nào cần sự giúp đỡ mà nằm trong khả năng thì bà đều giúp.
Bà Lương Thị Điểm tự hào với những gì mình làm được cho cộng đồng |
Tuỳ vào mỗi hoàn cảnh, bà có cách giúp đỡ khác nhau. Những người được bà giúp đỡ đều như được tiếp thêm niềm tin, động lực nỗ lực từng bước thoát khỏi đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Luôn đau đáu với những mảnh đời bất hạnh nên đến bây giờ, dù con cái đều đã phương trưởng, thành danh, nhiều người khuyên bà hãy nghỉ ngơi và tận hưởng những năm tháng an nhàn, nhưng bà chỉ cười hiền từ mà bảo: “Tôi còn khỏe và vẫn muốn làm việc. Tôi vẫn khuyên dạy các con, mình may mắn hơn những người khó khăn, vì vậy mình cần phải làm gì đó dù là nhỏ bé nhưng có thể san sẻ giúp họ vơi đi gánh nặng, khó khăn mà vươn lên, sống cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Những lời dạy của bà luôn là nguồn động lực để con cháu trong gia đình lấy đó làm tấm gương và mỗi người con, người cháu cũng luôn ủng hộ, đồng hành sôi nổi với những việc làm của bà trên con đường thiện nguyện. Khi làm từ thiện, bà không khoa trương mà chỉ âm thầm hỗ trợ khi biết các hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người tàn tật, trẻ em mồ côi, bệnh nhân khốn khó bằng vật chất và cả những động viên tinh thần.
Bà Lương Thị Điểm là một trong những doanh nhân vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. Vừa qua, bà được huyện Thanh Trì vinh danh người cao tuổi làm kinh tế giỏi giai đoạn 2017 - 2023. Bà cũng là 1 trong 3 doanh nhân của huyện Thanh Trì được thành phố Hà Nội biểu dương gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi.
Bảo Thoa - Thanh Hồng
Bình luận