Phát triển làng nghề truyền thống nhờ nguồn vốn Ngân hàng chính sách
Hà Nội triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội [Infographic]: Vốn tín dụng chính sách tăng |
Xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì là một xã nông nghiệp nằm ở phía Tây Nam thành phố Hà Nội, nhân dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, 1 năm 2 vụ lúa. Hội Nông dân xã Hữu Hòa có 947 hội viên, sinh hoạt trong 5 chi hội, trong đó số hộ nông nghiệp là 578 hộ.
Xã Hữu Hòa có 1 làng nghề sản xuất chế biến miến dong và bánh đa tại thôn Phú Diễn. Làng Phú Diễn phát triển nghề làm miến dong đã hơn 50 năm nay và đã được Thành phố công nhận là “Làng nghề chế biến miến và bánh đa Phú Diễn" năm 2012.
Miến dong, bánh đa của làng nghề Phú Diễn tham gia hội chợ xúc tiến thương mại. |
Toàn thôn có khoảng hơn 20 cơ sở sản xuất, với sản lượng trung bình đạt từ 12-15 tấn/ngày. Nguyên liệu để làm miến 100% là bột dong, ngoài ra người dân không sử dụng thêm bất kỳ một chất bảo quản nào khác. Miến là món ăn quen thuộc không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Vì vậy, cứ vào dịp cuối năm, nhu cầu về mặt hàng này lại tăng mạnh, các hộ sản xuất lại căng mình tăng năng suất gấp 2 - 3 lần mới kịp đơn hàng giao cho khách.
Để phát triển kinh tế được như ngày hôm nay, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Thanh Trì luôn đồng hành cùng bà con. Tổng số vốn tín dụng chính sách của hội viên hội nông dân đang vay là 11 tỷ đồng, trong đó số vốn vay của 2 tổ vay vốn làng nghề là trên 3 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được các hộ gia đình vay để đầu tư mua thêm vào dây chuyền tráng bánh bằng máy và có thêm vốn để thanh toán cho các chuyến nhập nguyên liệu bột dong phục vụ sản xuất. Nhiều gia đình nhờ được vay vốn tín dụng làm miến trong thôn đã có cuộc sống ổn định, khá giả.
Đến Phú Diễn có thể thấy không khí sôi động của tiếng máy tráng bột hoạt động liên tục từ các cơ sở sản xuất. Nhất là vào dịp cuối năm, mỗi dây chuyền bán công nghiệp có đến 15 người làm, chạy hết công suất, tăng năng suất gấp 3 lần mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Cả chủ và thợ đều hết sức khẩn trương, tranh thủ những ngày nắng ráo dọn dẹp tất cả các mặt bằng để phơi miến và bánh đa.
Chị Nguyễn Thị Lan, thôn Phú Diễn chia sẻ: Vào những ngày thường, trung bình gia đình tôi chỉ làm khoảng 7 - 8 buổi/tháng, nhưng vào dịp cuối năm thì hầu như ngày nào cũng sản xuất.
Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, ngoài nâng cao chất lượng, giữ đúng hương vị truyền thống, người sản xuất miến Phú Diễn cũng đặc biệt chú trọng tới việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Tá Cường - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hữu Hòa cho biết: Để đảm bảo uy tín cho sản phẩm của làng nghề, lãnh đạo địa phương thường xuyên xuống từng hộ kiểm tra, giám sát sản xuất, xử lý nghiêm đối với những cơ sở vi phạm.
Làng nghề luôn tấp nập sản xuất quanh năm |
“Nhu cầu của thị trường rất lớn nhưng cả làng cũng chỉ có hơn 20 cơ sở sản xuất, bởi chính quyền địa phương không cho phép các cơ sở chưa đạt chứng nhận an toàn thực phẩm hành nghề”, ông Cường nhấn mạnh. Hiện nay, làng nghề đã được cấp nhãn hiệu tập thể, từ đó cũng tạo thêm niềm tin với người tiêu dùng.
Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Trì đã góp phần quan trọng, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế địa phương, nhất là các làng nghề trên địa bàn huyện.
Bảo Thoa
Bình luận