Toàn cảnh thị trường bất động sản Hà Nội quý 3/2022 Kiểm soát các hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản Những giải pháp cho thị trường bất động sản Việt Nam

Đa dạng kênh huy động vốn cho thị trường bất động sản

Vốn cho thị trường bất động sản đang là bài toán không đơn giản.

Tại Quốc hội, trả lời chất vấn về việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản (BĐS) lành mạnh ngày 4.11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt, đáp ứng các điều kiện thì cần tạo điều kiện để tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển dự án bất động sản, góp phần tăng nguồn cung.

Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu trầm lắng. Nếu dòng vốn vào bất động sản bị nghẽn sẽ làm giảm nhiệt thị trường, làm tăng sự mất cân đối cung – cầu bất động sản do cung không thể tăng, cầu không giảm.

Nếu thị trường bất động sản chậm hồi phục cộng với trái phiếu doanh nghiệp đình trệ, giải ngân vốn đầu tư công chậm không đủ lan tỏa thì nguồn vốn bất động sản tiếp tục gặp khó khăn...

Và hệ luỵ tiếp theo là dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường bất động sản giảm, nợ xấu theo đó tăng, chứng khoán giảm, giảm đà phục hồi kinh tế…

Bàn về nguồn vốn cho thị trường bất động sản, trong Toạ đàm tổ chức mới đây, TS Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế cho rằng, hầu hết các quốc gia trên thế giới, vốn của thị trường bất động sản nói riêng và hoạt động kinh doanh nói chung đến từ ba nguồn chính: Tín dụng ngân hàng; trái phiếu doanh nghiệp; vốn cổ phần hoặc từ thị trường cổ phiếu.

Việc phát triển vốn cho thị trường bất động sản cần huy động từ nhiều kênh
Việc phát triển thị trường bất động sản cần huy động từ nhiều kênh dẫn vốn như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn FDI... bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng.

Cùng quan điểm trên, phát biểu tại nghị trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Tín dụng chỉ là một kênh vốn phát triển thị trường bất động sản. Phát triển thị trường bất động sản cần huy động nhiều nguồn lực từ các kênh khác nhau, như nguồn vốn từ đầu tư trực tiếp, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, từ ngân sách Nhà nước, vốn tự có của doanh nghiệp và người dân”.

Thống đốc nhấn mạnh và cho biết, việc điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng như ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Trong điều kiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống, việc mở rộng tín dụng cho thị trường bất động sản sẽ gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ. Chính vì vậy, điều hành tín dụng cũng cần phải cân nhắc hết sức thận trọng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang chững lại

TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2022, tín dụng đổ vào thị trường bất động sản tăng hơn 14%. Do đó, các doanh nghiệp cũng không nên mong đợi quá nhiều từ vốn tín dụng ngân hàng.

Về vốn từ thị trường chứng khoán, đây là nguồn cứu cánh của một số doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn đã lên sàn trong những năm qua. Tuy nhiên, dòng vốn này đang giảm sút do giá cổ phiếu xuống thấp và thanh khoản thấp”.

Bên cạnh dòng vốn tín dụng và vốn huy động trên thị trường chứng khoán, nguồn vốn từ trái phiếu doanh nghiệp cũng là dòng vốn chính của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp bất động sản chỉ phát hành 45 nghìn tỉ đồng, giảm mạnh so với những năm trước.

“Sự chững lại đáng lo ngại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản khiến cho nhiều dự án không được tiếp tục triển khai, nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán dư nợ trái phiếu chuẩn bị đáo hạn.

Ước khoảng 120 nghìn tỉ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay và 360 nghìn tỉ trong giai đoạn 2022-2024”, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Đối với tín dụng cho nhà ở xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP và năm 2021 đã bổ sung bằng Nghị định 49/2021/NĐ-CP, trong đó giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay nhà ở xã hội và các TCTD được chỉ định.

Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân với doanh số 10.584 tỉ đồng, dư nợ đến 30.9 là 9.147 tỉ đồng. Đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định, hiện nay chưa giải ngân được bởi tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí nên chưa thực hiện cho vay.

Theo TRÀ MY/laodong.vn

https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/dung-chi-dua-vao-tin-dung-ngan-hang-rot-vao-thi-truong-bat-dong-san-1113401.ldo