Đường Lâm - nơi lưu dấu "tích xưa chuyện cũ" xứ Đoài
Hà Nội tập trung phát triển du lịch cộng đồng Nét độc đáo của quần thể cây xanh nơi Thành cổ Sơn Tây Đến thăm Làng cổ Gò Cỏ - điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn |
Đường Lâm từ lâu được biết đến là vùng đất hai Vua - vùng đất “địa linh nhân kiệt” sản sinh ra hai vị Vua Phùng Hưng và Ngô Quyền; đây cũng là nơi chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Đáng chú ý, qua những biến thiên của thời gian, đến nay quần thể di tích Đường Lâm vẫn giữ được không gian văn hoá đậm nét kiến trúc Bắc Bộ như cổng làng cổ, đình, đền, chùa; đồng thời đây cũng được xem là một kho tàng lưu giữ văn hóa lịch sử quý báu, góp phần khẳng định và minh chứng cho luận cứ Sơn Tây là vùng đất cổ “địa linh nhân kiệt” – trung tâm của xứ Đoài xưa.
Một góc Làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Tại Đường Lâm, bên cạnh những danh nhân, những nhân vật đi vào lịch sử như bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh, bà chúa Mía (vương phi của chúa Trịnh Tráng, người xây chùa Mía), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An... Khi đến đây, bất kỳ ai cũng đều có thể được chiêm ngưỡng cổng làng Mông Phụ, đình Mông Phụ, đền Phủ bà chúa Mía, chùa Mía, đình thờ Phùng Hưng, đền – lăng Ngô Quyền.
Với bất kỳ một người dân ở vùng thôn quê nào trên đất Việt thì cổng và đình làng là hai công trình kiến trúc tượng trưng cho sự trù phú, thịnh vượng của làng. Ở Đường Lâm có thể chứng kiến cổng làng Mông Phụ - Đây là chiếc cổng cổ tiêu biểu nhất của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cổng làng được xây dựng trên trục đường chính dẫn vào làng. Thứ nữa là đình làng. Tại đình Mông Phụ bất kỳ ai cũng có thấy được những rêu phong của thời gian, những nét đặc trưng riêng có của một ngôi đình xứ Đoài.
Ở Làng cổ Đường Lâm, vùng đất cổ này hiện còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà được xây dựng từ năm 1649, 1703, 1850.... Căn nhà lâu đời nhất có tuổi thọ hơn 400 năm. Các ngôi nhà cổ có đặc điểm chung là có hệ thống kết cấu gỗ truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ, có 3 - 5 gian và hai chái, mái lợp ngói mũi đất nung. Điều đặc biệt, các di tích đều được xây dựng sáng tạo từ loại vật liệu truyền thống - đó là đá ong xứ Đoài. Chính chất liệu xây dựng đặc biệt này đã giúp các ngôi nhà cổ "hè mát đông ấm".
Đình Mông Phụ ở làng cổ. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Theo Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây, trong các ngày 14 - 15/1/2023 (tức ngày 23 - 24 tháng Chạp năm Nhâm Dần) tại Làng cổ Đường Lâm sẽ diễn ra chương trình “Tết làng Việt” năm 2023. Chương trình sẽ tái hiện các hoạt động, không gian Tết Việt như: Không gian chợ Tết truyền thống, là các gian hàng giới thiệu về các sản phẩm đặc sản, sản phẩm thủ công, làng nghề của địa phương; không gian trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền là các loại hình biểu diễn nghệ thuật, nhạc cụ dân tộc, ông đồ; không gian trình diễn, trải nghiệm làm bánh chưng, bánh tẻ, các loại kẹo, làm diều sáo, nặn tò he…
Được biết, chương trình nhằm quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc tới du khách trong nước và quốc tế nhằm giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giới thiệu du lịch làng cổ Đường Lâm, giới thiệu các đặc sản địa phương, quảng bá điểm đến du lịch đến người dân, đặc biệt là người nước ngoài đang sinh sống tại Hà Nội. Qua đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch Covid-19; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến, phát triển thương mại, kích cầu du lịch làng cổ Đường Lâm nói riêng và thị xã Sơn Tây nói chung.
Bình luận