Nét độc đáo của quần thể cây xanh nơi Thành cổ Sơn Tây
Ước trên 20 vạn lượt khách đến Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây Giữ nét đẹp Tết Trung thu Nhiều hoat động đặc sắc dịp Tết Trung thu tại Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây |
Không gian xanh giữa lòng Thị xã
Theo ghi nhận, hiện hệ thống cây xanh trong Thành cổ Sơn Tây khá đa dạng về chủng loại và đều có tuổi đời lâu năm. Chẳng hạn, nhiều loại cây phổ biến, có thể dễ dàng bắt gặp như xà cừ, hoa sữa, gội nếp…
Ngoài ra, nếu đi dọc đường dạo phía ngoài, cũng có thể bắt gặp những loại cây như lộc vừng, vàng anh, bằng lăng… được được Thị xã cho trồng bổ sung. Đặc biệt, bên trong Thành cổ Sơn Tây hiện có khoảng 70 cây sưa, đường kính từ 5 - 25cm, thuộc diện cần bảo vệ và chăm sóc đặc biệt.
Quần thể cây xanh nơi Thành cổ Sơn Tây đóng vai trò quan trọng, là nơi để người dân trong và ngoài Thị xã tìm đến để trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Ngoài quần thể cây cối đa dạng với nhiều chủng loại, cây xanh còn đóng vai trò “lá phổi xanh” của Thị xã. Dễ thấy, bất kể ai khi đến đây, từ già đến trẻ, khi tìm đến không gian nơi Thành cổ đều cảm thấy nhẹ nhõm, quên đi những hối hả lo toan đời thường.
Được biết, nhận thức được những giá trị to lớn về môi trường sinh thái của Thành cổ Sơn Tây, những năm qua khuôn viên di tích đều được UBND Thị xã quan tâm, tiến hành chỉnh trang hệ thống cây xanh trong Thành cổ.
Trong khuôn viên Thành cổ, cây cối đều được chăm sóc, tỉa thưa, thay thế những cây kém phát triển và trồng bổ sung cây bóng mát. Thị xã Sơn Tây cũng triển khai xây dựng hệ thống đường dạo, phục vụ nhu cầu vui chơi, tham quan của nhân dân và du khách.
Đóng góp tham luận phục vụ Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài” nhân kỷ niệm 200 năm xây dựng Thành cổ Sơn Tây (1822-2022), TS Lê Sỹ Doanh, Viện trưởng Viện sinh thái rừng và môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội cho rằng, xây dựng và phát triển đô thị văn minh, hiện đại không chỉ là xây dựng hạ tầng mà còn bắt đầu từ việc trồng cây xanh, tạo mảng xanh đô thị, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng các khoảng xanh đô thị.
Không gian xanh đẹp lạ kỳ giữa lòng Thành cổ. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Mặt khác, do quá trình đô thị hóa dần phát triển, tính chất xã hội hóa cao hơn, nhu cầu sinh hoạt công cộng phát triển, vì vậy, cây xanh đô thị được xem như là lá phổi xanh và là bộ phận hữu cơ trong cấu trúc đô thị.
Điều này càng quan trọng với thị xã Sơn Tây khi đây là Thị xã duy nhất của thủ đô Hà Nội, là một đô thị cổ của vùng đất xứ Đoài ngàn năm văn hiến, có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây gắn liền với địa danh Thành cổ Sơn Tây – di tích đã được Nhà nước công nhận.
Phát huy vai trò của cây xanh
Theo TS Lê Sỹ Doanh, để phát huy tốt giá trị môi trường sinh thái của Thành cổ Sơn Tây thì cần có sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền và sự tham gia của người dân. Trong đó, công tác quản lý cây xanh đóng vai trò hết sức quan trọng. Cụ thể, việc lập kế hoạch và quản lý hệ thống cây xanh trong Thành cổ để tạo ra và tăng thêm giá trị của cây xanh, đưa ra các giải pháp làm đẹp Thành cổ nói riêng, thị xã nói chung mà diện tích cây xanh vẫn hài hòa để giữ cho môi trường luôn trong lành là hết sức cần thiết.
Hai bên hào Thành cổ rợp bóng cây xanh mát. (Ảnh: Đinh Luyện) |
TS Lê Sỹ Doanh cũng lưu ý, để phát huy vai trò của hệ thống cây xanh, không chỉ là vai trò làm cảnh quan, bóng mát mà cả vai trò giáo dục, bảo tồn và phát triển thì cần lập quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Thành cổ Sơn Tây, trong đó chú trọng các nội dung như: Tổ chức quy hoạch hệ thống cây xanh, thảm thực vật trong Thành cổ;
Xây dựng kế hoạch bảo tồn các cây cổ thụ, cây lâu năm bởi các cây này không chỉ cho giá trị về mặt sinh thái, môi trường mà còn mang ý nghĩa lịch sử quan trọng; Tiến hành trồng dặm và thay thế các loài cây keo, bạch đàn đã già cỗi, cong nghiêng, sâu mục bằng các loài cây phù hợp nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ che phủ trong khuôn viên Thành cổ; Tổ chức nạo vét hào Thành cổ 2 năm/lần đảm bảo cảnh quan, vệ sinh môi trường…
Bên cạnh những dấu ấn đậm nét về hệ thống các công trình kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa thì quần thể cây xanh cũng là điểm nhấn, tạo nên một hệ sinh thái vô cùng độc đáo nơi Thành cổ Sơn Tây. (Ảnh: Đinh Luyện) |
Ngoài ra, các đơn vị liên quan có thể nghiên cứu, nâng cao hiệu quả quản lý cây xanh Thành cổ thông qua hệ thống đánh số cây, xây dựng phần mềm về quản lý cây xanh, xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin vào bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống cây xanh tại khu di tích quốc gia Thành cổ Sơn Tây.
TS Lê Sỹ Doanh, Viện trưởng Viện sinh thái rừng và môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội cũng lưu ý, để công tác này hiệu quả, thị xã Sơn Tây cần huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc cải tạo, phát triển hệ thống cây xanh Thành cổ. Thực hiện xã hội hóa cây xanh, khuyến khích mọi thành phần tham gia vào việc trồng và bảo vệ cây xanh, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp.
Bình luận