Đề xuất tăng giá điện: Gia đình công nhân lo lắng vì phát sinh chi phí Công nhân được tăng 200% lương khi tăng ca
Gánh nặng gia đình với nữ công nhân khu công nghiệp
Nỗi khắc khoải lớn nhất của nữ công nhân đi làm xa nhà là phải xa con. Ảnh: Minh Hương

Lao động chính của gia đình

Từ Hà Tĩnh xa xôi lên Hà Nội làm công nhân khu công nghiệp gần 4 năm nay, hành trang của chị Nguyễn Thị Thu Hoài (24 tuổi) chỉ có vài bộ quần áo, chiếc xe đạp điện cũ.

Ca làm của nữ công nhân này thường bắt đầu từ 6 giờ sáng hoặc 8 giờ tối. Để tiết kiệm chi phí, chị Hoài dùng bữa ăn ca tại công ty làm bữa chính trong ngày; về phòng trọ, chị Hoài ăn qua loa bằng bánh mì, mì tôm hoặc xôi.

Hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, có thời điểm thu nhập của chị Hoài bị giảm - chỉ còn khoảng 70% - do phải giãn việc, ngưng việc. Với mức thu nhập còm cõi (hơn 4 triệu đồng), chị Hoài đều chắt bóp gửi về cho bố mẹ hơn nửa số tiền lương nhận được.

Đợt này, khi dịch bệnh không còn diễn biến phức tạp như trước, công việc của chị Hoài phần nào “khởi sắc” hơn. Từ thu nhập cao nhất 6 triệu đồng, nay cũng tăng lên 7,5 - 8 triệu đồng/tháng. “Là chị cả trong gia đình, phía sau tôi còn 3 em đang trong độ tuổi ăn học. Bố mẹ làm nông nghiệp, hay ốm đau nên được tiền lương về, tôi phải ưu tiên cho gia đình trước” - chị Hoài nói.

Mặc chiếc áo thun đã cũ, chỉ vào tủ quần áo, chị Hoài nói, trong một năm, số lần mua quần áo mới của chị đếm trên đầu ngón tay. Đi làm đã có đồng phục công ty, khi ở nhà, quần áo của chị đa số được chị em trong xóm trọ nhượng lại. Là lao động chính, cô gái trẻ bằng mọi cách phải lo liệu được cho gia đình, từ việc ăn uống dè sẻn, không sắm sửa cho bản thân, thậm chí không nghĩ đến yêu đương, hò hẹn.

Nữ công nhân lo lắng, nếu có chồng con, liệu còn có thể lo lắng được cho bố mẹ và các em!? “Tôi tự ti về mình lắm. Đồng lương công nhân lương eo hẹp, tôi chỉ học hết lớp 9, nếu yêu rồi tiến tới hôn nhân, tôi không thể gánh vác gia đình hiện tại” - chị Hoài tâm sự.

Khi chúng tôi hỏi chị tính làm công nhân đến bao giờ? Chị Hoài cho biết, dự định làm đến khi 2 người em đầu vào đại học. Phải bươn chải từ sớm, có lẽ ước mơ lớn nhất của người chị cả này là nhìn thấy các em được học hành tử tế. Niềm vui của chị Hoài thật đơn giản khi được các em khoe thành tích học tập.

Làm công nhân 8 năm, 7 năm phải xa con

Đã 8 năm kể từ ngày chị Trần Thị Nhung từ Lương Sơn (Hoà Bình) xuống Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) làm công nhân trong nhà máy. Đằng đẵng thời gian một thân một mình, người phụ nữ ngoài 30 tuổi gặp không ít khó khăn.

Chị Nhung bắt đầu công việc 7h30 sáng, chiều tan ca vào 17h. Hôm nào được tăng ca, chị Nhung sẽ về muộn hơn 1-2 tiếng, tổng thu nhập ở mức 7 triệu đồng/tháng. Nhớ lại tháng đầu tiên được nhận lương công nhân, chị Hà mừng mừng tủi tủi: Mừng vì có tiền lo cho chị và các con, tủi vì không có ai bên cạnh để sẻ chia.

Chị Nhung cho hay, 8 năm làm công nhân thì có 7 năm phải xa con: “Có khổ thế nào tôi cũng không bận tâm, điều tôi buồn hơn hết là con không nhớ mẹ”.

Nói về con, nữ công nhân ngoài 30 tuổi có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Hồi con còn nhỏ, chị đi làm cứ 1-2 tháng sẽ về thăm con 1 lần. Thời gian đó, con không theo mẹ, thậm chí “đuổi” chị ra xa vì nghĩ mẹ là người lạ. Chị phải đợi lúc con đi ngủ mới dám ôm con vào lòng.

“Giờ đây con lớn, đã biết thương mẹ hơn rồi. Nhưng nó vẫn trách tôi tại sao đi lâu về” - chị Nhung rầu rĩ.

Làm công nhân với đồng lương eo hẹp, mỗi tháng, chị Nhung gửi về cho ông bà ngoại 3-4 triệu đồng để nuôi con. Còn chị chỉ giữ 3 triệu đồng, trong số tiền này, chị Nhung phải lo liệu phí thuê trọ, ăn uống... Trong mâm cơm của người mẹ đơn thân, chỉ có 2 món: Trứng và rau. Chị nói: “Xa nhà, tôi không biết đến món ăn ngon. Tôi chỉ ăn để lấp đầy bụng để có sức mà làm việc thôi...”.

Theo Minh Hương/laodong.vn

https://laodong.vn/cong-doan/ganh-nang-gia-dinh-voi-nu-cong-nhan-khu-cong-nghiep-1104984.ldo