Giá đất, thu hồi đất trong Luật Đất đai cần công khai, minh bạch Bỏ khung giá đất có khiến giá nhà, đất tăng? 6 trường hợp giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng

Nếu như thị trường bất động sản trong 2 năm 2020-2021 bùng nổ mạnh mẽ, thì hiện nay, thị trường bất động sản lại ghi nhận gam màu trầm lắng. Thậm chí, một số khu vực gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Điều này đã ảnh hưởng mạnh tới thu nhập, đời sống của những người làm nghề môi giới bất động sản.

Anh Ngọc Hà, chuyên môi giới nhà đất khu vực Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Đông (Hà Nội), kể lại, năm 2020 dịch Covi-19 bùng phát khiến cho công việc đầu bếp của anh bị ảnh hưởng nặng nề. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, nhà hàng nơi anh làm việc phải đóng cửa, nhiều nhân viên rơi vào cảnh thất nghiệp. May mắn thời điểm đó “cơn sốt” đất bùng nổ, các văn phòng môi giới bất động sản tuyển người rầm rộ với mức lương, thưởng hấp dẫn. Đang thất nghiệp, lại thấy nhiều người môi giới thành công với những giao dịch bất động sản lớn, anh Hà đánh liều rẽ ngang sang nghề môi giới bất động sản.

Giá đất hạ nhiệt, nhiều môi giới bất động sản “nháo nhào” nhảy việc
Bất động sản hạ nhiệt, nhiều môi giới “nháo nhào” tìm việc mới. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nếu như trong năm 2021, nghề môi giới bất động sản “lên ngôi” đến mức người người, nhà nhà đều đi môi giới bất động sản; thì sang năm 2022, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường bất động sản cũng bắt đầu cho thấy sự hạ nhiệt chóng mặt.

Anh Hà kể: “Trong năm 2021, văn phòng bất động sản nơi tôi làm việc một tháng có thể thực hiện thành công từ 25 - 30 giao dịch, thì hiện nay các giao dịch giảm xuống chỉ còn khoảng từ 10 - 12 giao dịch/tháng. Đặc biệt, với đất ven đô tầm giá từ 3 - 10 tỷ đồng/lô, tỷ lệ giao dịch thành công rất thấp. Trong khi năm ngoái, có những trường hợp người vừa mua chưa kịp ký gửi, khách đến sau đã xuống tiền đặt cọc”.

Thị trường bất động sản đi xuống, nghề môi giới bất động sản cũng “lao dốc” theo. Thậm chí, theo một số người trong ngành môi giới bất động sản chia sẻ, thị trường bất động sản hiện trầm lắng đến mức vài ngày mới thấy có một người liên hệ nhờ tư vấn hay dẫn đi xem đất, điều này làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của những người môi giới bất động sản. “So với năm 2021, thu nhập giảm từ 50 - 70%, nên tôi đang tính đến việc chuyển hướng sang hoạt động trong lĩnh vực khác, hoặc tìm kiếm thêm một công việc nữa để làm”, anh Hà chia sẻ.

Cùng chung cảnh ngộ như anh Hà, chị Hải Yến làm việc tại văn phòng Bất động sản Thịnh Phát ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) làm một phép so sánh: “So với năm 2021, năm nay, thị trường bất động sản nói chung và ở huyện Thạch Thất nói riêng trầm lắng hẳn. Vào các tháng giữa năm 2021, văn phòng môi giới bất động sản Thịnh Phát thực hiện khoảng trên dưới 30 giao dịch/tháng, nhưng thời gian này chỉ đạt từ 1 - 3 giao dịch, thậm chí tháng 7 âm lịch vừa qua, chúng tôi không thực hiện thành công một giao dịch nào”.

Chị Hải Yến cũng cho biết, hiện đất quanh khu vực huyện Thạch Thất, người bán nhiều hơn người mua. Vì thế, trong những tháng qua, trung bình mỗi tháng chị Yến chỉ nhận được 15 - 20 trường hợp ký gửi bán đất. Nếu như trước kia, chỉ mất khoảng 30 ngày là bán hết đất cho khách, thì nay chị Yến và các nhân viên văn phòng khác phải trầy trật mãi mới bán được vài lô đất. Trong khi đó, các nhà đầu tư không đẩy được hàng nên không có dòng tiền nhập vào, vì vậy thị trường càng trở nên trầm lắng hơn.

“Làm nghề môi giới bất động sản chủ yếu sống bằng tiền hoa hồng, lương hỗ trợ từ văn phòng không đáng là bao. Vì thế, nếu không có giao dịch, thu nhập sẽ giảm. Tuy nhiên, để duy trì công việc, buộc những người làm nghề môi giới phải tự bỏ chi phí để qua lại giữa các lô đất, chưa kể còn tiền điện thoại cho khách, chi phí chạy quảng cáo trên một số mạng xã hội… Thời gian tới, nếu thị trường bất động sản không có tiến triển, chắc chắn tôi sẽ phải tính toán đến việc tìm nghề khác để kiếm sống”, chị Hải Yến cho hay.

Có thể thấy, với những giải pháp nhằm quản lý chặt thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai... Đặc biệt, việc ngân hàng siết chặt tín dụng bất động sản, đã khiến thị trường bất động sản hiện diễn ra khá chậm, mức độ quan tâm bất động sản của các nhà đầu tư cũng giảm theo. Lý giải về nguyên tắc này, các chuyên gia cho rằng, sau khi giá đất bị đẩy lên cao, vượt qua giá trị đóng góp của chính nó vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống người dân, giá đất sẽ lắng xuống và vừa qua thị trường đã lộ rõ sự “hạ nhiệt”.

Theo ông Lê Đại Việt, thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) chia sẻ, trong ngắn hạn, động thái tăng cường kiểm soát tín dụng vào thị trường bất động sản khiến tính thanh khoản giảm sút. Phần lớn nhà đầu tư đang chờ đợi những tín hiệu mới về chính sách tài khóa hay thông tin nới lỏng room tín dụng từ cơ quan nhà nước để đưa ra quyết định. Các dự án đầy đủ pháp lý, đã xây dựng và hoàn thành cơ bản, hỗ trợ vấn đề tài chính, thanh toán tiến độ nhỏ giọt theo tháng hay hỗ trợ mức lãi suất 0%/năm vẫn được nhà đầu tư quan tâm xuống tiền.

Ông Việt cũng cho rằng, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn sàng lọc mạnh mẽ để chọn ra những người môi giới đủ tiềm lực và đi đúng hướng. Việc siết tín dụng chỉ là tình trạng ngắn hạn trong 1 - 2 quý, vì thế, các nhân viên môi giới cá nhân không có chuẩn bị tốt phải đổi nghề, các sàn nhỏ phải tái cơ cấu, thu hẹp nhân sự để thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

Theo số liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có hơn 300.000 người hoạt động môi giới bất động sản. Trong đó, số người môi giới có chứng chỉ hành nghề khoảng 30.000. Và để trở thành người môi giới thực thụ cần phải có kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề và trách nhiệm xã hội.

Các chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, những người môi giới không có chứng chỉ hành nghề hầu hết đều là “cò đất” nghiệp dư, tham gia khi thị trường bất động sản tăng nóng, nhưng khi thị trường trầm lắng, thu nhập giảm sút, do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, thì việc họ phải tìm công việc mới để tồn tại cũng là điều dễ hiểu.