Giá vàng liên tục tăng “nóng”, có nên đầu tư?
Giá vàng thế giới đã lập kỷ lục mới, cao nhất trong lịch sử Chuyên gia cho rằng, tâm lý FOMO ngày càng gia tăng trên thị trường vàng Giá vàng nhẫn tăng dữ dội, chuyên gia nói gì? |
Giá vàng liên tục lập đỉnh
Theo ghi nhận, vào đầu giờ chiều nay (22/10), giá vàng miếng SJC đã tăng thêm 1 triệu đồng/lượng, lên 89 triệu đồng/lượng. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp vàng tăng giá, với tổng cộng 3 triệu đồng/lượng.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào lên 87 triệu đồng/lượng, bán ra 89 triệu đồng/lượng. Các đơn vị kinh doanh vàng khác vẫn không thay đổi giá vàng miếng khi mua vào ở mức 86 triệu đồng/lượng, bán ra 88 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC tăng trước sự đảo chiều đi xuống của giá vàng thế giới. Cụ thể, giá vàng thế giới giảm xuống 2.725 USD/ounce sau khi tăng lên mức kỷ lục gần 2.740 USD/ounce.
Giá vàng miếng SJC đã tăng 3 triệu đồng/lượng, lên 89 triệu đồng/lượng. |
Tương tự, giá vàng nhẫn hôm nay cũng tăng cao so với hôm qua. Công ty SJC mua vào với giá 85,7 triệu đồng/lượng, bán ra 87,1 triệu đồng/lượng. Còn tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn mua vào ở mức 86,28 triệu đồng/lượng, bán ra 87,78 triệu đồng/lượng.
Lúc nào nên xuống tiền?
Trao đổi với báo chí, chuyên gia vàng Trần Duy Phương đánh giá, những ngày gần đây, giá vàng nhẫn tăng mạnh, thậm chí có nhiều nhịp điều chỉnh trong ngày cũng không phải điều bất thường.
Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc vàng thế giới tăng giá, tỷ giá giữa USD và VNĐ tăng. Giá vàng thế giới tăng thì giá vàng nguyên liệu, giá vàng nhập khẩu về chắc chắn sẽ tăng theo. Tỷ giá của ngân hàng tăng sẽ kéo giá vàng quy đổi tăng theo.
“Quy đổi giá vàng thế giới ngày 21/10 là khoảng 85 triệu đồng/lượng thì giá bán ra của vàng nhẫn sau khi cộng các chi phí khác cũng như tính cả lợi nhuận ở mức gần 87 triệu đồng/lượng là bình thường, hợp lý. Giá vàng miếng SJC tăng cũng là bình thường, phù hợp với đà tăng của giá vàng thế giới.
Những ngày gần đây, có tình trạng giá vàng tăng liên tục, thậm chí trong một ngày như ngày 21/10, giá vàng thế giới liên tục tạo đỉnh. Khi nào giá vàng thế giới không tăng, thậm chí giảm, mà giá vàng trong nước lại tăng, đó mới là đột biến, bất thường”, ông Phương nhấn mạnh.
Tuy vậy, ông Phương cũng bày tỏ lo ngại rủi ro, có những đợt giá vàng tăng quá “nóng” như hiện nay sẽ kèm theo những yếu tố giá vàng có thể suy giảm bất ngờ.
“Giá vàng đã tăng khá nóng, khả năng cao sẽ có một nhịp sập giá, điều chỉnh giá. Không biết chắc chắn lúc nào giá vàng có thể sập, đang rất căng. Bởi vậy, đầu tư vàng vào thời điểm này khá rủi ro, người mua và bán đều phải dè chừng. Nhà đầu tư nên chọn thời điểm giá vàng thế giới có nhịp điều chỉnh giảm khoảng 50 - 70 USD/ounce mới xuống tiền mua vàng thì tỷ suất sinh lời sẽ cao hơn”, ông Phương nói.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính - bất động sản toàn cầu, cũng nhìn nhận, ở thời điểm hiện tại, việc xuống tiền mua vàng dễ đối mặt với rủi ro cao, bởi giá vàng tăng “nóng” và có thể có một cú sập giá bất ngờ. Nhà đầu tư nên hết sức cẩn trọng.
Giá vàng có thể tăng lên 3.000 USD/ounce vào năm sauPhân tích sâu một số nguyên nhân đã và đang tác động mạnh tới giá vàng thế giới, từ đó kéo giá vàng trong nước tăng mạnh, theo ông Hiếu, mấu chốt xuất phát từ những vấn đề địa chính trị phức tạp, cộng với việc các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất, điển hình là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Ngày 18/9, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5%, qua đó đưa lãi suất tham chiếu (Reference Rate) tại Mỹ về mức 4,75 - 5%. Giá trị USD biểu hiện qua USD Index lập tức tụt xuống và giá vàng thế giới giao ngay đã lập đỉnh mới ở mức 2.600 USD/ounce tại thời điểm đó.
Ngoài ra, tình trạng lạm phát tỷ lệ thuận với giá vàng. Giá vàng tiếp tục tăng vọt khi lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng. Người dân hoặc các nhà đầu tư có xu hướng mua vàng để bảo toàn tài sản của mình, chống lạm phát.
Ông Hiếu cũng đề cập tới khía cạnh như nhu cầu này ngày càng tăng, khi giá vàng tăng nhanh trong năm 2024 do chênh lệch từ việc mua vàng ở giá thấp và bán ra khi giá cao. Ấn Độ và các nước khu vực Trung Đông đầu cơ vàng rất nhiều. Một phần do văn hóa của họ gắn liền với vàng, có rất nhiều lễ hội sử dụng vàng.
Cạnh đó, các quỹ hoán đổi danh mục vàng như Quỹ iShare Gold Trust (IAU), SPDR Gold Shares (GLD) nắm giữ một số lượng vàng rất lớn và tác động mạnh đến giá vàng…
Từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng khoảng 35%. Nhiều chuyên gia kinh tế đều chung nhận định, giá vàng đã tăng quá nhanh, xô đổ các dự báo trước đó.
Ông Phương phân tích, bên cạnh yếu tố căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông, một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng thế giới tiếp tục tăng xuất phát từ động thái cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
“Ngay sáng 21/10, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã tiến hành cắt giảm lãi suất 0,25%. Môi trường lãi suất suất, thay vì đổ xô vào ngoại tệ hay trái phiếu chính phủ ở các nước, nhà đầu tư sẽ rút vốn về và đầu tư vào các kênh khác như vàng, chứng khoán. Thời điểm hiện nay, không chỉ giá vàng mà cả chứng khoán, bitcoin cũng đều tăng mạnh”, ông Phương nhấn mạnh.
Dù dự báo khả năng cao có đợt sập giá vàng sắp tới, song theo ông Phương, giá vàng từ nay tới sang năm nhìn chung vẫn theo đà tăng. Từ nay tới cuối năm, giá vàng sẽ kết hợp điều chỉnh giảm với tăng; mức tăng giá không nhiều, khoảng 50 - 100 USD/ounce, không vượt quá 2.850 USD/ounce.
“Giá không tăng liên tục lên đến 2.850 USD/ounce mà sẽ có đợt điều chỉnh xuống 2.600 USD/ounce hoặc 2.550 USD/ounce, từ đó tăng lại và vượt mốc hiện tại.
Thông thường theo lịch sử giá vàng, hiếm khi sau một năm tăng giá trên 30%, năm sau giá lại tiếp tục tăng mạnh. Năm 2025, dự báo giá vàng vẫn tăng trong nửa đầu năm, nhưng tăng chậm và luôn luôn có sự điều chỉnh”, ông Phương nói.
Ông Hiếu cũng đưa ra dự báo, từ nay tới hết năm, giá vàng thế giới có thể lên mức 2.800 USD/ounce, khả năng cao mức giá này xuất hiện sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Năm sau, giá vàng vẫn tiếp đà tăng và sẽ đạt mức 3.000 USD/ounce trước nửa cuối tháng 6.
Bình luận