Giá xăng, dầu giảm mạnh: Cơ hội giảm giá các mặt hàng tiêu dùng Giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động tức thì trong việc giảm giá xăng, dầu

Người tiêu dùng mừng nhưng chưa được hưởng lợi

Ngày 21/7, liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm giá xăng, dầu lần thứ 3 liên tiếp với mức giảm 2.710 - 3.600 đồng/lít. Giá bán lẻ mỗi lít xăng E5 RON 92 về mức 25.070 đồng, xăng RON 95 mức 26.070 đồng, tương đương mức giá ở tháng 2/2022.

Có thể thấy, sau các lần điều chỉnh, giá xăng, dầu đã giảm sâu, tuy nhiên giá các mặt hàng thiết yếu vẫn “đứng im”. Điều này chưa có lợi cho người tiêu dùng.

Qua khảo sát tại các chợ dân sinh cũng như hệ thống các siêu thị ở Hà Nội mấy ngày gần đây, đa số hàng hóa vẫn neo ở mức cao. Chị Nguyệt Thu, tiểu thương chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hầu hết mặt hàng thịt lợn, cá, rau thời gian gần đây đều tăng giá, trong đó, một phần nguyên nhân là do giá xăng, dầu tăng. Hiện, giá xăng, dầu đã giảm song chưa giúp giá bán nhiều mặt hàng giảm theo.

Tại chợ Cầu Giấy, chị Mai Lan (công nhân môi trường) ngao ngán trước giá các loại rau củ, thịt cá đều đứng ở mức cao. “Rau xà lách lên tới 60.000 đồng/kg, cải bó xôi 50.000 đồng/kg, các loại cà chua, hành vẫn ở mức 50.000-70.000 đồng/kg. Mua vài loại rau cho gia đình cũng tốn cả trăm ngàn. Tôi hỏi người bán sao rau vẫn đắt thế thì được trả lời là do các đơn vị cung cấp vẫn chưa giảm giá”, chị Lan chia sẻ.

Giá xăng, dầu giảm, giá hàng hóa vẫn chưa hạ
Giá các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa giảm khiến người tiêu dùng không khỏi đắn đo. (Ảnh: Quang Linh)

Với nhóm hàng hóa nhập khẩu, giá cũng không giảm theo giá xăng. Cụ thể, sữa Similac nhập khẩu loại dành cho bé 1 tuổi có giá trên 700.000 đồng/hộp, các loại ngũ cốc dinh dưỡng vẫn trên 350.000 đồng/kg, bột mì Canada 90.000 đồng/kg... Ông Bùi Văn Nam, chủ cửa hàng tạp hóa Nam Thanh (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chuyên kinh doanh thực phẩm nhập khẩu cho rằng, để hàng hóa nhập về đến tay người tiêu dùng phải mất ít nhất một tháng.

“Giá của hàng hóa nhập khẩu ảnh hưởng bởi thị trường thế giới, nên chỉ khi giá nguyên liệu thế giới giảm thì hàng nhập trong nước mới có thể hạ giá. Hiện, giá nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm ngũ cốc, sữa, đường, dầu cọ đang tăng 40-60% so với 6 tháng đầu năm 2021 nên hàng hóa hiện vẫn giữ giá cao, thậm chí còn tăng dù giá xăng trong nước hạ nhiệt”, ông Nam nói.

Ghi nhận tại các siêu thị cho thấy, giá bán nhiều mặt hàng thiết yếu cũng chưa được điều chỉnh. Theo đại diện một số siêu thị, giá bán phụ thuộc vào mức tăng giảm của nhà sản xuất nên trước thông tin giá xăng sẽ giảm sâu, siêu thị cũng kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm để người tiêu dùng bớt đi các chi phí, thế nhưng hầu như chưa có nhà cung cấp nào đề nghị giảm giá hàng hóa.

Vẫn cần thêm thời gian

Bà Nguyễn Thu Hương, Giám đốc Công ty Thực phẩm Hương Sơn cho biết, chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 10% giá thành sản phẩm. Thời gian qua, giá nguyên liệu đầu vào liên tiếp tăng nên việc giảm giá xăng, dầu chưa thể kéo giảm được giá bán hàng hóa.

Giá xăng, dầu giảm, giá hàng hóa vẫn chưa hạ
Nhiều mặt hàng vẫn sẽ neo mức cao và mặt bằng giá cả trên thị trường chưa có sự điều chỉnh mạnh. (Ảnh: Quang Linh)

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, mặc dù giá xăng giảm khá sâu nhưng giá hàng hóa tiêu dùng trên thị trường nhiều khả năng chưa thể giảm ở mức tương ứng. Nhiều mặt hàng vẫn sẽ neo mức cao và mặt bằng giá cả trên thị trường chưa có sự điều chỉnh mạnh.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cơ hội giảm giá các mặt hàng “ăn theo” giá xăng, dầu là rất rõ ràng, nhưng vẫn đang ở dạng “tiềm năng”, đòi hỏi những biện pháp mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

“Những cơ hội từ việc giảm giá xăng, dầu dẫn đến giảm giá các mặt hàng khác thì chỉ là tiềm năng chứ không có mối quan hệ trực tiếp; bởi vì rõ ràng là Chính phủ không hề có bất kỳ một biện pháp nào để chuyển những động thái giảm giá xăng, dầu vào việc giảm giá các mặt hàng khác mà tất cả đều do thị trường của các doanh nghiệp cung ứng hay là các hộ kinh doanh cung ứng mặt hàng này trên thị trường quyết định.

Rõ ràng đây là một sự thiếu trong cơ chế quản lý và khai thác những giá trị tích cực của việc giảm giá xăng, dầu đối với nền kinh tế. Khi xăng, dầu tăng thì rất nhiều mặt hàng rất nhanh, lợi dụng để bù lại chi phí xăng hoặc là tranh thủ té nước theo mưa... và xu hướng này vẫn không hề giảm đi. Do đó, việc tiếp tục điều hành để những lợi ích từ việc giá xăng, dầu sẽ tới được với các mặt hàng khác là rất cần thiết, và cơ chế này cần phải suy nghĩ một cách sâu hơn, thấu đáo hơn để áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn...”, TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ.