Quy tắc 6 chiếc lọ - Bí quyết quản lý tiền thông minh Khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ Tăng cường kỹ năng quản lý tài chính cho sinh viên Việt Nam

Có hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến

Theo thống kê sơ bộ, trên không gian mạng có hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến thông qua website, qua các ứng dụng (app) trên điện thoại di động, trong số đó có nhiều app cho vay tiền không được cơ quan nhà nước quản lý, dẫn đến nhiều trường hợp người tiêu dùng bị “sập bẫy” tín dụng đen.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Bảo vệ người tiêu dùng tài chính: Thực trạng và giải pháp”, ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, vai trò của công nghệ với các nền tảng mạng xã hội làm cho việc tiếp cận thông tin nói chung và vấn đề tài chính tiêu dùng được xử lý nhanh hơn, thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, do sự phát triển của không gian mạng với “muôn hình vạn trạng” các ứng dụng, cùng rất nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh cho vay tài chính tiêu dùng khiến người tiêu dùng bối rối trước “ma trận” về dịch vụ này.

Với “ma trận” này, người tiêu dùng của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới luôn là thế yếu, bị động. Do đó, quyền lợi người tiêu dùng thường bị xâm hại. “Theo tôi đây là hệ quả tất yếu và là vấn đề đáng báo động trước hết đối với người tiêu dùng và sau đó là cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức xã hội, các đơn vị tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Trung nói.

Theo ông Trung, chúng ta cần có những giải pháp hữu hiệu để ổn định thị trường tài chính tiêu dùng đang hỗn độn như hiện nay, làm sao để thị trường này đi vào trật tự, theo mong muốn của Đảng, Nhà nước cũng như nguyện vọng của người tiêu dùng.

Giải pháp bảo vệ người tiêu dùng tài chính
Tọa đàm “Bảo vệ người tiêu dùng tài chính: Thực trạng và giải pháp”. (Ảnh: HP)

Thực tế người tiêu dùng của Việt Nam nói chung, trong đó có người tiêu dùng tài chính vấn đề tiếp cận được các thông tin của các tổ chức, cá nhân tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng là chưa đủ. Có thể có nhiều đối tượng đã tiếp cận được thông tin, nhưng với số lượng rất ít và không đầy đủ.

Cũng chính vì tiếp cận thông tin không đầy đủ, cho nên người tiêu dùng khi tham gia vào thị trường này gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nhiều trường hợp “sập bẫy” của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, làm ăn bất chính. Điều này là thực tế và đã xảy ra nhiều trong xã hội.

Giải pháp hạn chế rủi ro

Về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, ông Trung cho biết, hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, trong đó có Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam luôn xác định trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm.

Cụ thể như, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) là cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp làm và làm nhiều nhất. Đây chính là cơ quan mà người tiêu dùng nói chung và người tiêu dùng tài chính nói riêng có thể phản ánh khi bị xâm phạm về lợi ích.

Bên cạnh đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng có 53 Hội thành viên ở khắp các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, Trung ương Hội cũng có văn phòng tư vấn, tiếp nhận khiếu nại tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thường xuyên tiếp nhận những khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó có những khiếu nại của người tiêu dùng về lĩnh vực tài chính.

Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng cần tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật và những kỹ năng về tiêu dùng tài chính cho người tiêu dùng.

“Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam dù có hệ thống các cấp Hội địa phương trên khắp cả nước, nhưng hiện nay việc tiếp cận những thông tin, đồng thời tổ chức, giáo dục tuyên truyền về tiêu dùng tài chính không hề đơn giản. Bởi, ngoài cơ chế, kinh phí hoạt động của Hội còn khó khăn. Hơn nữa, nhiều khi mới chỉ tuyên truyền được ở vùng đô thị, còn người dân ở vùng sâu, vùng xa rất khó tiếp cận và thông tin đến những đối tượng này cũng rất khó.

Thế nhưng ở khu vực này, vì đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc người dân vay tài chính nhiều. Do đó, Hội sẽ cố gắng tổ chức sâu rộng hơn việc tuyên truyền, giáo dục tài chính đến các đối tượng tại vùng sâu, vùng xa để bà con có nhận thức đầy đủ hơn về vấn đề tài chính tiêu dùng và có những kỹ năng để tránh những rủi ro không đáng có”, đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho hay.

Tại Tọa đàm, ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng cho biết: “Bên cạnh các vấn đề thiếu hụt nêu trên thì theo ghi nhận của chúng tôi, Việt Nam chưa có hoặc chưa thực hiện thường xuyên, liên tục các hoạt động giáo dục đào tạo, nâng cao nhận thức cũng như tập huấn kỹ năng tiêu dùng tài chính cho người tiêu dùng. Đặc biệt là đối với nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…”.

Ông Bách cho rằng vấn đề này rất quan trọng, vì tài chính tiêu dùng là lĩnh vực có yếu tố chuyên môn phức tạp, yêu cầu người sử dụng phải có kiến thức cơ bản nhất định để sử dụng đúng, nếu không sẽ gây ra rủi ro, thậm chí dẫn đến những hệ lụy không chỉ cho bản thân người tiêu dùng về mặt tài chính mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự của người thân, gia đình, đồng nghiệp,…

Ông Bách cũng chia sẻ, trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ người tiêu dùng, qua nghiên cứu tại một số nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Úc, Nhật,… các quốc gia này đều chú trọng đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính. Ví dụ: Mỹ, Nhật có cơ quan nhà nước riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính. Còn Úc có các tổ chức, Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính để giải quyết riêng các khiếu nại về tài chính…

Điều đó cho thấy, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính là vấn đề song hành với sự phát triển của nền kinh tế, là vấn đề mà Việt Nam trong thời gian sớm nhất cần tìm ra những giải pháp phù hợp để đảm bảo sự phát triển toàn diện của nền kinh tế.

Trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cũng có một số quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; trong đó có nhấn mạnh tới việc tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xây dựng cơ chế giải quyết khiếu nại đảm bảo phù hợp với các đặc điểm riêng của những nhóm người tiêu dùng này.

Bên cạnh nhóm giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách, trong thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng tập trung tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực tự bảo vệ cho người tiêu dùng.