Giải pháp căn cơ để giữ chân y bác sĩ trước làn sóng nghỉ việc ồ ạt
Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng: Góp phần giữ chân cán bộ, công chức, viên chức Công chức, viên chức nghỉ việc: Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập thấp |
Để giữ chân y, bác sĩ, cần đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương. Ảnh minh hoạ: Minh Hương |
3 nguyên nhân khiến y bác sĩ nghỉ việc hàng loạt
Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM, Phó Chủ tịch Hội đông y TPHCM cho biết, có 3 nguyên nhân khiến các y bác sĩ nghỉ việc ồ ạt thời gian qua, đầu tiên phải kể đến là lương thấp. Theo bà, bác sĩ mới ra trường, lương khởi điểm, hệ số chỉ hơn một phẩy - mức lương thấp nhất trong bậc lương cơ bản, rồi mới tăng dần lên theo thâm niên.
Trong khi để một y bác sĩ giỏi ra trường đi làm được, cần bỏ ra từ 6-10 năm để học tập, thực hành. Mức lương chưa tương xứng với trình độ của các y bác sĩ, thành ra rất khó để giữ chân được người tài ở các cơ sở công lập.
Thứ hai là vấn đề tâm lý và môi trường làm việc. Bà Lan cho biết, những vụ việc xử lý các lãnh đạo ngành y tế diễn ra quá nhiều trong thời gian qua đã tạo tâm lý hoang mang cho các y bác sĩ và bệnh viên. Các bệnh viện không dám mua sắm hay đấu thầu vật tư y tế, hệ quả thiếu thuốc, thiếu thiết bị. Trong khi đó, y học cứu người luôn cần đến các kỹ thuật, máy móc công nghệ cao.
“Bác sĩ giỏi mà không có máy móc tốt, họ cũng nản. Muốn cứu người mà cơ sở vật chất, thiết bị không đủ, điều này tạo nên tâm lý không tốt cho y bác sĩ. Họ sẽ từ bỏ công lập để ra các cơ sở tư nhân làm. Môi trường làm việc của ngành y tế đang rất nặng nề và sợ sai”, nữ Đại biểu Quốc hội chia sẻ.
Nguyên nhân thứ ba, theo bà Lan đó là thể chế pháp luật. Ngày ngày làm việc trong môi trường sợ sai, đụng đâu cũng thấy sai phạm và không đủ cơ sở thiết bị để làm - sẽ không một bác sĩ nào muốn gắn bó với nghề, với môi trường công lập.
Bà Lan cho rằng, làn sóng nghỉ việc của nhiều y bác sĩ là hệ quả tất yếu của chế độ đãi ngộ thấp và môi trường làm việc không tương xứng với công sức mà các y bác sĩ bỏ ra. Câu chuyện này không xảy ra với riêng ngành y tế mà nhiều ngành khác cũng vậy. Tuy nhiên, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc sau khi dịch COVID-19 xảy ra rất đáng lo với toàn xã hội.
Buồn nhất là hầu hết các y bác sĩ này chọn nghỉ việc ở bệnh viện công để ra làm việc ở bệnh viện tư nhân. Trong khi đó, hệ thống bệnh viện tư nhân hầu như đều dành cho người có tiền - một bộ phận nhỏ của xã hội, còn đại đa số người dân khám chữa bệnh ở các bệnh viện công lập là người nghèo, người chưa có kinh tế cao. Như vậy, những người dân khó khăn - số đông của xã hội - thì ai sẽ lo? Đây là trách nhiệm của nhà nước.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đoàn Quốc hội tỉnh Thái Nguyên dẫn chứng việc nhiều người cho rằng làn sóng dịch chuyển nhân lực từ bệnh viện công sang bệnh viện tư có phải “chảy máu chất xám” không?, họ vẫn công hiến cho ngành y, vẫn chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh.
“Tôi cho rằng đây là vấn đề cần suy ngẫm. Các bệnh viện công lập, mục tiêu duy nhất là chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, còn với bệnh viện tư nhân, ngoài mục tiêu chăm sóc sức khoẻ còn mục tiêu lợi nhuận. Chính vì vậy, cần phải ngăn làn sóng chảy máu nhân lực từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, cần có giải pháp căn cơ để chặn tình trạng y bác sĩ nghỉ việc hàng loạt.
Giải pháp căn cơ để giữ chân y bác sĩ
Nói về giải pháp, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng cho biết, đối với ngành y tế, cán bộ, công nhân viên chức ngành y mong muốn được tăng lương cơ sở từng ngày. Ông cho rằng “đây là thời điểm phù hợp và cần thiết để thực hiện việc tăng lương cơ sở”.
Theo ông, ngoài việc tăng lương, chế độ đãi ngộ, cán bộ ngành y được mong muốn có môi trường làm việc tốt, giúp họ thể hiện năng lực của bản thân. “Nhiều cán bộ y tế họ muốn cống hiến cho hệ thống y tế công lập, nhưng nhiều người phải ngậm ngùi nghỉ việc vì môi trường làm việc, điều kiện học tập không đảm bảo. Trong khi cán bộ ngành y rất mong muốn được học tập, được cống hiến, nếu không đảm bảo được những yếu tố như vậy, họ phải rời đi, tìm môi trường làm việc mới”, ông nói.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng đồng tình phương án giải quyết đầu tiên là tăng lương cho các y bác sĩ. Song về lâu dài thì phải tính đến cả ba cái yếu tố: lương - môi trường làm việc - thể chế pháp luật minh bạch.
Bà phân tích, chỉ một giải pháp tăng lương cơ sở không thể đủ sức nặng giữ chân các bác sĩ ở bệnh viện công. Nhiều y bác sĩ lựa chọn làm việc trong hệ thống công lập bởi dẫu sao nó cũng có sự chắc chắn hơn hệ thống tư nhân. Ở khối tư nhân, lương được trả rất cao nhưng mà tới một ngày người ta không hài lòng thì sẽ dễ dàng đuổi việc.
Đồng thời, chúng ta cũng phải lấy lại được vị thế của các y bác sĩ ở trong lòng của công chúng. Những người đậu được vào các trường Y dược đều là học sinh giỏi, thi đại học 9 - 10 điểm/môn, rồi học 6 - 10 năm ra trường mà nhận lương không bằng một cử nhân hay nhân viên bán hàng thì ai muốn cống hiến.
/laodong.vn
Bình luận