Nhiều lao động được tuyển dụng với mức lương hấp dẫn Người lao động có thể thay đổi hình thức nhận lương hưu một cách đơn giản ngay tại nhà
Công chức, viên chức nghỉ việc: Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập thấp
Minh hoạ của ĐAN

Làm 7 năm, lương 7 triệu đồng/tháng

Lương không đủ sống, nên vào năm 2020, sau 7 năm làm viên chức tại một đơn vị thuộc một tổng cục của một bộ, anh H nghỉ việc, đầu quân cho một doanh nghiệp nhà nước với mức lương gấp 3.

Trước đó, năm 2013, anh H thi đỗ vào làm viên chức tại một trung tâm thuộc một tổng cục.

“Thời điểm mới vào, tôi có hệ số lương 2,34, tương đương 4-5 triệu đồng/tháng. Nếu chỉ trông chờ vào mức lương này, chắc chắn không đủ để tôi sống tại Hà Nội, ngay cả khi chưa lập gia đình” - anh H kể lại. Đến năm 2016, anh H lập gia đình, áp lực về tiền bạc ngày càng lớn hơn, nhất là khi vợ anh sinh con.

Để có thêm thu nhập, anh H nhận làm thêm nhưng khoản thu nhập này không cố định hằng tháng.

“Tôi rất chăm đi công tác các tỉnh, nên hay có việc để nhận về làm thêm. Tính ra, tổng thu nhập mỗi tháng của tôi khoảng 10 triệu đồng nếu có khoản làm thêm bên ngoài. Nhưng làm thêm tôi phải bớt thời gian giải trí, chăm sóc gia đình; sức khoẻ bị ảnh hưởng nhiều hơn” - anh H tâm sự.

Ở cơ quan, anh H cho biết, lãnh đạo cũng nhận thêm việc về cho nhân viên làm, nhưng nhân viên lại không được trả thêm xứng đáng với công sức họ bỏ ra.

Đến năm 2020, sau 7 năm làm việc, lương của anh H mới được 7 triệu đồng/tháng. Chuyên viên có mức lương cao nhất tại trung tâm mà anh H làm cũng chỉ được 10 triệu đồng/tháng.

Theo chia sẻ của anh H, những trường hợp vẫn gắn bó lâu dài với trung tâm mà không chuyển việc chủ yếu là vì có vợ hoặc chồng có thu nhập cao ở nơi khác, nên họ chỉ cần một chỗ làm việc ổn định, không phải áp lực quá nhiều về tiền bạc.

Không chỉ lương thấp, một vấn đề khác nữa mà anh H luôn muốn chuyển việc nếu có cơ hội đó là môi trường làm việc không thoải mái.

“Nhiều khi chỉ cần đi muộn 10-20 phút hay có việc chạy ra ngoài một lúc cũng bị nói. Tình trạng đồng nghiệp kèn cựa, chèn ép nhau cũng có” - anh H nói.

Năm 2020, khi có đơn vị thuộc doanh nghiệp nhà nước mời về làm việc với mức lương tăng gấp 3 lần lương hiện hưởng, anh H quyết định chuyển việc. Sang nơi làm việc mới, dù vẫn là thuộc nhà nước, nhưng ngoài mức lương cao hơn, môi trường làm việc cũng thoải mái hơn. Anh H. cũng được làm trong lĩnh vực mà mình đã học chứ không phải làm lại từ đầu.

Nghĩ lại quãng thời gian làm viên chức trong đơn vị nhà nước, anh H cho rằng, tuy lương thấp, môi trường làm việc còn chưa thoải mái, nhưng bù lại, anh học được nhiều kinh nghiệm trong nghề, được đào tạo về chuyên môn, mở rộng các mối quan hệ...

Khó giữ chân cán bộ y tế tại cơ sở công lập

Y tế là một ngành ghi nhận “làn sóng” nghỉ việc trong thời gian gần đây. Mới đây, theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.

Nguyên nhân đầu tiên được Công đoàn Y tế Việt Nam chỉ ra là lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Do tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập này, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.

Cụ thể, phân tích của Công đoàn Y tế Việt Nam cho thấy: Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng.

Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế). Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập…

Theo Bảo Hân/laodong.vn

https://laodong.vn/xa-hoi/cong-chuc-vien-chuc-nghi-viec-nguyen-nhan-chu-yeu-do-thu-nhap-thap-1078231.ldo