Giải pháp đa tầng hỗ trợ người lao động mất việc, giãn việc
Tăng kết nối, đẩy nhanh giới thiệu việc làm Công nhân mất việc dịp giáp Tết: Cần giải quyết quyền lợi, tạo việc làm mới |
Phiên giao dịch tại Trung tâm Giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Anh Thư |
Nơi thiếu việc, nơi thiếu lao động
Chị B.T.T (Sơn Dương, Tuyên Quang) đã có 5 năm làm công nhân tại công ty về linh kiện điện tử trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Cả tăng ca, mỗi tháng chị T cũng có thu nhập từ 9-10 triệu đồng.
Đầu tháng 10, công ty thông báo đơn hàng giảm. Chị T cũng như nhiều công nhân khác bị cắt giảm giờ làm thêm. Bên cạnh đó, những ngày thứ Bảy, Chủ nhật mấy tuần trở lại đây, chị đều không được đi làm, chỉ quanh quẩn trong phòng trọ. Thu nhập mỗi tháng giảm khoảng 2 triệu đồng, chị T phải cắt giảm chi tiêu sinh hoạt tối đa; coi bữa ăn ca là bữa ăn chính trong ngày.
Theo báo cáo của 25 địa phương, đơn vị trực thuộc Tổng LĐLĐVN, ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều về vấn đề đơn hàng là chế biến gỗ, dệt may, da giày; ngoài ra có một số ít doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Có đến 485 doanh nghiệp với 631.329 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm. Những doanh nghiệp này chủ yếu tập trung khu vực phía Nam. Điều đáng nói, có đến 34.563 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm.
Bên cạnh những tác động của việc giảm đơn hàng đến công ăn, việc làm của người lao động, tại nhiều địa phương, hoạt động tìm việc và tuyển dụng lao động vẫn diễn ra sôi nổi. Đại diện phòng nhân sự Công ty TNHH Micron Vina cho biết, doanh nghiệp đang tìm kiếm 20 người lao động cho các vị trí phiên dịch viên tiếng Hàn Quốc và quản lý sản xuất tại nhà máy tại Bắc Giang. Để thu hút người lao động, công ty này đưa ra mức lương khá hấp dẫn, khoảng 20 triệu đồng/tháng. Đây là một trong 59 đơn vị, doanh nghiệp với tổng nhu cầu tuyển dụng là 4.235 lao động tại phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội vừa qua. Bên cạnh đó, dịp này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận được doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao hơn những tháng trước đây.
Chăm lo cho người lao động để ổn định quan hệ lao động
Ngày 23.11, LĐLĐ TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ cấp ủy TP.Thủ Đức, quận, huyện và cấp trên tương đương trao đổi về tình hình quan hệ lao động (QHLĐ) trên địa bàn TPHCM.
Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - cho biết do ảnh hưởng tình hình thế giới, nhiều doanh nghiệp trong nước không có đơn hàng mới, hoặc giảm đơn hàng, nhất là ngành chế biến gỗ, da, giày, dệt, may... Từ đó, dẫn tới doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm, không tăng ca, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, ứng phép năm 2023, tạm hoãn, chấm dứt HĐLĐ. Đến nay đã có 155 doanh nghiệp với hơn 50.150 NLĐ bị ảnh hưởng, thu nhập của NLĐ bị giảm sâu, doanh nghiệp khó khăn, dự báo Tết năm nay, có những doanh nghiệp sẽ không có tiền thưởng Tết, lương tháng 13...
Tại TPHCM có gần 48.700 đơn vị nợ BHXH, BHYT nên khi NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ sẽ không chốt sổ BHXH, thêm tình hình nợ tín dụng đen, lừa đảo trong lao động… dự báo tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TPHCM từ nay cho đến hết quý I/2023 tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Đề xuất giải pháp hỗ trợ đa tầng
Trao đổi với PV Lao Động ngày 23.11, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, hiện nay, có những ngành thiếu hụt lao động, song vẫn còn nhiều ngành nghề cũng đang đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng. Bên cạnh những doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, vẫn có những địa phương bị thiếu hụt lao động cục bộ. Chính vì vậy, đơn vị đang nắm tình hình từ 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương, Trung tâm Dịch vụ việc làm. Trong tuần, Cục sẽ báo cáo Bộ, Chính phủ về bức tranh chung của tình hình việc làm.
Theo Cục trưởng Cục Việc làm, trước mắt, Cục chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm giải quyết ngay chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm. Những doanh nghiệp cắt giảm lao động lớn, phải tập trung giải quyết khó khăn cho lao động. “Trong quy trình giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, các Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm cho lao động mất việc” - ông Bình nói.
Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đề xuất đẩy mạnh đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia... cũng là cách tạo nhiều công ăn, việc làm cho người lao động. Đề xuất Ngân hàng Chính sách tăng nguồn vốn cho vay tạo việc làm cho người lao động về quê. Cục Việc làm sẽ đề xuất giải pháp theo nhiều tầng để hỗ trợ tối đa người lao động.
Cũng trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội cho biết, nhìn chung, đây là giai đoạn phục hồi của thị trường lao động, song vẫn có những doanh nghiệp chịu những ảnh hưởng tiêu cực sau đại dịch. Theo dự báo, thị trường lao động sẽ chịu tác động theo hướng xấu trong thời gian tới. Để giảm bớt chi phí, doanh nghiệp vẫn có xu hướng cắt giảm phúc lợi, tiền lương và hợp đồng lao động.
Trước thực trạng này, bà Hương cho rằng cơ quan quản lý cần có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Đặc biệt, Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương tăng cường thông tin về thị trường lao động. Trung tâm dịch vụ việc làm hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động mất việc và tư vấn cho doanh nghiệp giải quyết chính sách cho người lao động.
Theo
/laodong.vnhttps://laodong.vn/cong-doan/giai-phap-da-tang-ho-tro-nguoi-lao-dong-mat-viec-gian-viec-1119929.ldo
Bình luận