Để logistics nội đô phát triển xứng tầm TP.HCM: Quy hoạch phát triển ngành logistics tại thành phố Thủ Đức Đà Nẵng - điểm đến tiềm năng châu Á

Tuy nhiên, đối với phạm vi địa lý của nông thôn, yếu tố di chuyển và chi phí là vấn đề mà các doanh nghiệp logistics phải cân nhắc. Việc ứng dụng logistics điện tử là một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp đang hướng tới để giải quyết vấn đề này.

Bài toán vận chuyển

Ở các vùng nông thôn, phạm vi địa lý rất rộng và mật độ dân cư thưa, tỷ lệ mua sắm không cao như ở thành phố, người giao hàng sẽ phải di chuyển quãng đường khá dài. Do vậy, yếu tố chi phí của các doanh nghiệp vận chuyển không còn nằm ở tỷ lệ giao hàng thành công lần đầu tiên mà nằm ở quãng đường di chuyển.

Tại tọa đàm “Cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam trở thành điểm đến về đầu tư e-logistics tại Đông Nam Á?”, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp logistics phải tính đến yếu tố chi phí khi trên tuyến đường giao hàng, các khách hàng ở rất cách xa nhau, có thể từ xã A đến xã B. Giải pháp mà ông Trần Thanh Hải gợi ý đó là các doanh nghiệp có thể liên kết với nhau tạo thành các kho vệ tinh ở tuyến huyện để giảm thời gian vận chuyển quá xa.

Giải pháp phát triển e-logistics tại vùng nông thôn
Có sự khác biệt tương đối lớn trong vận chuyển chặng cuối giữa nông thôn và thành thị. ( (Ảnh minh họa: PN)

Là doanh nghiệp làm trong lĩnh vực vận chuyển, ông Phan Xuân Dũng – Giám đốc kinh doanh Công ty Ninja Van Việt Nam, một “kỳ lân” trong lĩnh vực vận chuyển và đã có mặt tại 6 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cho rằng, có sự khác biệt tương đối lớn giữa nông thôn và thành thị và ở một nước tương đối đặc thù về mặt cư dân như ở Việt Nam thì vận hành logistic cũng có nhiều khác biệt.

“Ví dụ ở Singapore, Malaysia khi chúng tôi có nền tảng kỹ thuật tương đối tốt hơn như các tủ thông minh để người nhận hàng có mật khẩu có thể tự nhận hàng ở khu vực của họ. Ở Việt Nam thì chúng tôi cũng đã có phương án đặc thù hơn, nhất là khu vực nông thôn. Có 2 yếu tố chúng tôi sẽ tập trung. Thứ nhất, phát triển kho vệ tinh, bởi nếu chỉ tập trung tại kho chính ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì thời gian đưa hàng đến vùng nông thôn sẽ tương đối cao. Vì thế, chúng tôi sẽ tiến hành làm sao để hình thành được nhiều kho vệ tinh nhất. Thứ hai, tăng mật độ phủ hệ thống bưu cục. Mỗi xã sẽ có một bưu cục, nếu đơn hàng chưa giao được cho khách hàng sẽ lưu ở hệ thống bưu cục và vận chuyển sao cho khoảng cách của các đơn hàng ở mức tối đa 20km”.

Công nghệ giúp giảm thiểu chi phí

Theo Giám đốc kinh doanh Công ty Ninja Van Việt Nam, công nghệ là một trong những yếu tố được Ninja Van đánh giá là yếu tố quyết định trong việc giúp vận hành logistics trơn tru và giảm thiểu chi phí nhất. Theo đó, Ninja Van áp dụng công nghệ tới 3 khâu chính trong vận hành logistics.

Thứ nhất là đối với người gửi hàng (bán hàng). Thông thường người bán hàng sẽ phải chờ đợi mà không biết bao giờ người nhận hàng mới đến. Ninja Van đưa ra công cụ ứng dụng để người gửi hàng chỉ cần đăng ký tài khoản trên ứng dụng và đưa ra các thông tin, yêu cầu. Phần mềm có cài đặt các khung giờ cụ thể để người gửi hàng lựa chọn. Như vậy, người gửi sẽ biết khung giờ mà tài xế đến nhận hàng mà không phải chờ đợi. Sau khi nhận hàng, phầm mềm cũng sẽ cập nhật đường đi của gói hàng để người gửi có thể theo dõi.

Giải pháp phát triển e-logistics tại vùng nông thôn
Bên cạnh các dịch vụ logistics trong nội địa, dịch vụ e-logistics xuyên biên giới được cho là sẽ góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu. (Ảnh minh họa: BT)

Thứ hai là về mặt vận hành, một trong những yếu tố mà kỹ thuật có thể giải quyết được liên quan đến tài xế. Không chỉ có Ninja Van mà nhiều doanh nghiệp khác hiện nay áp dụng phần mềm công nghệ sẽ cho biết trình tự giao của các đơn hàng sao cho thuận tiện, tỷ lệ thành công cao. Ngoài ra, Ninja Van cũng tạo ra những “cuộc đua” giữa các nhóm tài xế để tìm ra những “top rider” giao nhiều đơn hàng nhất để ghi điểm thưởng.

“Ngoài ra chúng tôi cũng có phần chấm điểm của khách hàng dành cho tài xế. Những điều này sẽ giúp cho các tài xế có một cuộc cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng và hiệu suất dịch vụ cho doanh nghiệp”, ông Phan Xuân Dũng cho biết.

Theo ông Phan Xuân Dũng, yếu tố thứ ba phức tạp nhất là áp dụng công nghệ cho người nhận hàng. Rất nhiều tình huống xảy ra trong quá trình này, ví dụ như người nhận không nhận hàng, người nhận đổi, trả lại hàng, người nhận đổi địa chỉ nhận hàng,…

“Vì vậy, chúng tôi đưa ra phần gỡ rối cho khách hàng với những lựa chọn như: tôi muốn đổi địa chỉ, tôi muốn thay đổi giá trị đơn hàng, tôi muốn tiếp tục mặc cả với người mua hàng,… Trên mỗi nhóm này, ứng dụng phần mềm sẽ chia thành nhiều câu hỏi khác nhau. Một vài yếu tố khác phức tạp hơn cần sự liên lạc trực tiếp với người bán hàng thì sẽ phải có một cuộc đàm thoại 3 bên và phần mềm sẽ ghi nhớ lại cuộc thoại đó để giải quyết… Đây là một trong những vấn đề phức tạp mà công nghệ đã thực hiện được và hiện giờ chúng tôi đang ứng dụng thành công ở một số khu vực, cho thấy tỷ lệ giao hàng thành công tăng lên, giảm chi phí tương đối nhiều”, đại diện Ninja Van Việt Nam chia sẻ.

Ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng, công nghệ đang đóng vai trò quan trọng trong các khâu khác nhau của hoạt động logistics. Đối với hoạt động vận tải, có những ứng dụng phát triển các nền tảng để sử dụng chung các phương tiện như xe tải, container,… Hoặc trong quản lý kho bãi lớn cũng có phần mềm thích hợp và sử dụng công nghệ AI để tự động hóa khâu quản lý. Trong những lĩnh vực khác như cung cấp dịch vụ công tại các cơ quan quản lý nhà nước, hải quan,... cũng sử dụng các phần mềm để thúc đẩy các hoạt động thông quan và quản lý chuyên ngành thuận tiện hơn.

So với các mô hình logistic truyền thống, e-logistics hiện đang phát triển mạnh mẽ. Và theo những người trong cuộc, sẽ có những yếu tố chính đóng đóng vai trò quyết định trong việc giảm thiểu chi phí logistics trong thương mại điện tử. Ngoài ra, một thách thức khác phải kể đến là sự khác biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn buộc các nhà cung cấp dịch vụ e-logistics phải có những tính toán cũng như chiến lược đầu tư dài hơi để có thể phát triển.

Bên cạnh các dịch vụ logistics trong nội địa, dịch vụ e-logistics xuyên biên giới được cho là sẽ góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một trong quốc gia top đầu về e-logistics trong khu vực Đông Nam Á.

Bảo Thoa