Giúp phụ nữ hiểu rõ hơn về mô hình kinh tế tập thể
Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế tập thể Phát triển kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của kinh tế Thủ đô |
Tại hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng vận động, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ Hội LHPN không chuyên trách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết: Ngay sau khi Trung ương Hội khởi động triển khai Đề án “Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (theo Quyết định ban hành số 01/QĐ-TTg), Hội LHPN Hà Nội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 10/8/2023 về việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030”.
Hội LHPN Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ toàn Thành phố tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện Đề án; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, đồng thời chủ động tư vấn, hỗ trợ thành lập, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành.
Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng vận động, tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ Hội không chuyên trách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố năm 2024. |
Tính đến hết tháng 3/2024, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 29 hợp tác xã, 38 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý, điều hành. Các cấp Hội cũng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ các sản phẩm từ các hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ.
Từ sự hỗ trợ của Hội LHPN, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác đã chủ động tăng quy mô sản xuất, thu hút thêm thành viên; mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi và phát triển các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, xây dựng thương hiệu trên thị trường như: Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) xây dựng nhãn hiệu “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến”; Hợp tác xã Sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín) với 6 sản phẩm về sơn mài truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao; Hợp tác xã mây tre nón lá Thu Hương (huyện Thanh Oai)…
Các báo cáo viên tại hội nghị tập huấn là các chuyên gia, cán bộ có nhiều kinh nghiệm đến từ Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội, Công ty đào tạo Kinh Bắc với các nội dung thiết thực như: Giới thiệu một số điểm mới của Luật Hợp tác xã năm 2023 và những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; quy trình và thủ tục đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP; truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm truyền thống địa phương; kỹ năng quảng bá, kết nối thị trường, marketting online cho các sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong nước hiện nay.
Cùng với đó là các kỹ năng tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; kỹ năng vận động hội viên, phụ nữ, người dân tham gia mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã; tham quan mô hình phát triển kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cũng hy vọng, sau thời gian tập huấn, cán bộ Hội sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng trong quản lý, điều hành, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác; xây dựng thương hiệu sản phẩm và các kỹ năng quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm của mình, tạo việc làm cho lao động nữ. Từ đó, khẳng định hiệu quả của các mô hình kinh tế, góp phần phát triển công tác Hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ của địa phương.
Bảo Thoa
Bình luận