Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế tập thể Nâng cao năng lực và hiệu quả của kinh tế tập thể Định hướng lớn để phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Hiệu quả, thực chất, dẫn đầu cả nước

Để phát triển kinh tế tập thể, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thống nhất quan điểm về phát triển kinh tế tập thể và chú trọng tạo lập môi trường thể chế, tâm lý xã hội thuận tiện cho kinh tế tập thể, HTX phát triển thông qua công tác tuyên truyền, truyền thông và ban hành hệ thống đồng bộ các văn bản để tổ chức thực hiện Nghị quyết, khẳng định nhất quán quan điểm về phát triển kinh tế tập thể. Qua đó, nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có chuyển biến tích cực. Cùng với đó, thành viên và người lao động trong các HTX cũng hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí của HTX và quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia.

Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Phong, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, cùng với sự nỗ lực của các tổ hợp tác, các HTX, liên hiệp HTX, kinh tế tập thể Thủ đô ngày càng phát triển, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Các tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tổ chức, quy mô và nội dung hoạt động đa dạng. Việc thành lập các tổ hợp tác đã đáp ứng và khắc phục được khó khăn của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, sức cạnh tranh trên thị trường.

Phát triển kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của kinh tế Thủ đô
Đoàn đại biểu nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và Liên minh HTX Việt Nam tham quan xưởng sơ chế của HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội. (Ảnh: Lê Huy)

Từ năm 2003, nhất là từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2012, các HTX đã củng cố lại tổ chức bộ máy quản lý; thành viên tham gia theo nguyên tắc tự nguyện, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Có thể thấy, năng lực, trình độ cán bộ quản lý HTX và tay nghề của người lao động trong HTX được cải thiện, dần đáp ứng được các yêu cầu phát triển.

Các HTX đã tự hạch toán và chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh, chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, bảo đảm về số lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Một số HTX đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, sử dụng công nghệ sản xuất chế biến thân thiện với môi trường. Nhiều HTX đã có tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên.

Các HTX, liên hiệp HTX hiện nay đang từng bước trở thành nhân tố mới, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.

Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào GRDP mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Tiêu biểu như HTX Cuối Quý, HTX Hoa lan Đan Hoài, huyện Đan Phượng; HTX Công nghệ cao Thăng Long; HTX Rau củ quả Hồng Thái, huyện Phú Xuyên; HTX Sông Hồng, huyện Đông Anh; HTX Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm…

Có thể thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với phát triển kinh tế tập thể của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở trong thời gian qua luôn được quan tâm. Kinh tế tập thể, kinh tế HTX đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của Thành phố, tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Số lượng HTX, liên hiệp HTX tiếp tục tăng lên. Hiện Hà Nội là địa phương có số lượng HTX dẫn đầu cả nước (chiếm 9,9%). Hiệu quả hoạt động của HTX ngày càng được nâng cao, ngành nghề kinh doanh cũng đa dạng hơn.

Vượt qua khó khăn, không ngừng phát triển

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Tiến Phong, việc tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết của Trung ương, đề án, chương trình của Thành ủy về kinh tế tập thể của một số cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên. Nhận thức về vai trò, vị trí, tính tất yếu khách quan của phát triển kinh tế tập thể, mô hình HTX kiểu mới của một số cán bộ, đảng viên, thành viên HTX và nhân dân chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, số lượng HTX, tổng số vốn sản xuất kinh doanh khu vực kinh tế tập thể còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Thu nhập bình quân đầu người/tháng trong khu vực kinh tế tập thể vẫn ở mức thấp nhất so với các khu vực kinh tế khác. Quy mô HTX còn nhỏ, số lượng HTX có nguồn vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 76,6%. Một số HTX chậm thích nghi với cơ chế thị trường và quá trình đô thị hóa, kết nối cung cầu hàng hóa còn hạn chế.

Phát triển kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của kinh tế Thủ đô
Các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của các HTX, tổ hợp tác được thành phố Hà Nội thực hiện thường xuyên. (Ảnh: HP)

Ông Nguyễn Tiến Phong nhận định, hiện nay tình hình thế giới và khu vực, tình hình trong nước đang có những diễn biến mới, vừa tạo cơ hội, song cũng có khó khăn, thách thức đối với khu vực kinh tế tập thể. Thời gian tới, kinh tế tập thể, kinh tế HTX trên thế giới tiếp tục phát triển và có sự liên kết, hợp tác giữa quốc gia. Ở Hà Nội, với nguyên tắc tự nguyện, số lượng HTX thành lập mới tiếp tục tăng lên và HTX kiểu mới sẽ phát triển theo xu hướng chung này.

Với quan điểm kinh tế tập thể, kinh tế HTX vẫn là xu hướng khách quan, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế tất yếu và quan trọng trong các thành phần kinh tế của Thủ đô. Đồng thời, kinh tế tập thể, kinh tế HTX không những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, mà còn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, an ninh trật tự, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Chính vì vậy, phát triển 2 loại hình kinh tế này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cần được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể.

Theo đó, Hà Nội sẽ nỗ lực, tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội, tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế Thủ đô. Phấn đấu kinh tế tập thể, kinh tế HTX đóng góp với tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế, góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu các ngành kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó là phát triển đa dạng với nhiều hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực truyền thống gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa có hiệu quả ngày càng cao. Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của các HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, kinh tế HTX kiểu mới phù hợp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để các HTX chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể

Nhằm khắc phục những hạn chế, manh mún trong sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các cơ sở hội xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tăng cường liên kết, từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội trên thị trường.

Ông Nguyễn Quang Trường, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Phát triển kinh tế nông nghiệp xã Tân Lập, huyện Đan Phượng chia sẻ: Để liên kết các hộ sản xuất cá thể tiến tới xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững, Hội Nông dân xã Tân Lập đã thành lập Câu lạc bộ phát triển kinh tế nông nghiệp quy tụ 62 hộ phát triển kinh tế trang trại tham gia nhằm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển mô hình, mua phân bón trả chậm và ưu đãi trong thu mua nguyên liệu đầu vào.

Phát triển kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của kinh tế Thủ đô

Hộ sản xuất rau an toàn của HTX Cuối - Quý huyện Đan Phượng, Hà Nội đạt hiệu quả cao nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân và chính quyền. (Ảnh: H.H)

Ông Thiều Văn Son, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho hay, không chỉ thành lập các câu lạc bộ phát triển kinh tế nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Đan Phượng cũng đã xây dựng, nâng cao chất lượng các mô hình kinh tế tập thể của địa phương như: Mô hình trồng nấm, trồng hoa ly, trồng cam canh, trồng đu đủ xã Song Phượng; mô hình trồng đu đủ xã Đan Phượng; mô hình chăn nuôi gà, trồng rau an toàn xã Phương Đình; mô hình trồng chuối Tây - Tiêu Hồng, chăn nuôi lợn xã Trung Châu, Hồng Hà; mô hình nuôi bò thịt và bò sinh sản, trồng Phật Thủ xã Thọ An; mô hình lúa - cá - vịt xã Tân Hội và Tân Lập; mô hình trồng bưởi Tôm vàng Đan Phượng xã Thượng Mỗ…

Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội cho biết, để giúp hội viên nông dân nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, xây dựng các chuỗi sản xuất ổn định, đến nay, các cấp hội nông dân Hà Nội đã xây dựng được 23 HTX, 708 tổ hợp tác, 274 mô hình kinh tế tập thể; thành lập được 173 chi hội nghề nghiệp và hơn 2.700 tổ hội nghề nghiệp với trên 33.000 thành viên.

Đồng thời, Hội cũng hỗ trợ nông dân phát triển thương hiệu, nhãn hiệu; giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho trên 5.300 lượt cán bộ HTX, tổ hợp tác, hội viện nông dân. Thực tế cho thấy, chỉ có tăng cường liên kết, hình thành các mô hình kinh tế tập thể mới tạo nên những sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Đó là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp Hà Nội để người nông dân có thể yên tâm sản xuất, phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập. Sau thành công của công tác dồn điền đổi thửa, tại các địa phương đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng chuỗi liên kết, tạo nên những sản phẩm nông sản đặc trưng, có thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm của từng vùng.

Từ việc xây dựng thành công các mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân thành phố đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu nông sản thực phẩm như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng; bưởi Phúc Thọ; bưởi Chương Mỹ; rau hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; gà đồi Ba Vì; mây tre đan Phú Nghĩa, Chương Mỹ…

Với những nỗ lực cố gắng của các cấp Hội Nông dân thành phố Hà Nội, hội viên nông dân đã hăng hái tham gia các phong trào, các cuộc vận động tạo nên những chuyển biến tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ vận động, hướng dẫn thành lập mới khoảng 100 tổ hợp tác; 100 HTX/năm, nâng tổng số HTX đến năm 2025 là 2.498 đơn vị; đến năm 2030 là gần 3.000 HTX. Trong đó, phấn đấu ít nhất 80% HTX hoạt động đạt loại tốt, khá, đạt doanh thu bình quân 3,525 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.