Thị trường bất động sản "giảm nhiệt" Phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng đột biến Thị trường văn phòng Hà Nội bứt phá với nguồn cung chất lượng cao

Người mua Hà Nội “dịch chuyển” ra vùng ven

Tại Hà Nội, đất nền vùng ven đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn. Các khu vực như Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Hoài Đức hay Thạch Thất chứng kiến lượng tìm kiếm và giao dịch tăng đều qua các quý. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân đến từ việc giá đất nội đô Hà Nội đã tăng mạnh trong thời gian dài, vượt xa khả năng chi trả của đa số người dân. Trong khi đó, đất vùng ven có giá “mềm” hơn, quỹ đất rộng, cơ hội tăng giá cao nhờ các dự án hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ.

Ngoài ra, với sự phát triển của hệ thống giao thông kết nối liên vùng như đường Vành đai 3, 4 và các tuyến đường sắt đô thị, việc di chuyển từ vùng ven vào trung tâm thành phố ngày càng thuận lợi, giúp nâng cao giá trị và tính thanh khoản của đất nền khu vực này.

Hà Nội chuộng đất vùng ven, TP.HCM ưu tiên đất gần trung tâm
Đất nền vùng ven Hà Nội đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn.

TP.HCM vẫn “giữ lửa” đất nền gần trung tâm

Ngược lại, tại TP.HCM, người tiêu dùng vẫn ưu tiên các sản phẩm đất nền ở khu vực gần trung tâm, đặc biệt là các quận thuộc TP.Thủ Đức, quận 9 (cũ), quận 7, quận Bình Thạnh hay Gò Vấp. Các yếu tố như nhu cầu đầu tư ngắn hạn, kỳ vọng sinh lời cao và tâm lý giữ giá tốt khiến đất nền nội đô vẫn là phân khúc hút mạnh dòng tiền.

Một yếu tố khác là quỹ đất phát triển mới tại TP.HCM ngày càng khan hiếm, trong khi giá trị thương mại và tiện ích hạ tầng đô thị trung tâm đang ở mức cao. Người mua cả đầu tư lẫn để ở đều ưu tiên tiếp cận các khu vực có sẵn tiện ích, dịch vụ và khả năng khai thác nhanh.

Lý giải sự khác biệt

Chuyên gia bất động sản Lê Văn Dũng nhận định: “Khác biệt về hạ tầng, chính sách phát triển vùng đô thị và tâm lý thị trường là ba yếu tố khiến xu hướng đầu tư đất nền tại Hà Nội và TP.HCM có sự trái ngược rõ rệt”. Hà Nội đang mở rộng đô thị theo mô hình đa cực, khuyến khích giãn dân ra ngoài trung tâm nên vùng ven có nhiều dư địa phát triển và được đầu tư mạnh. Trong khi đó, TP.HCM có lịch sử phát triển đô thị tập trung, quy mô đất ở trung tâm hạn chế, nên người dân vẫn ưu tiên những khu vực gần lõi đô thị để tiện kinh doanh, cho thuê hoặc sinh sống.

Tín hiệu tích cực cho thị trường

Dù có sự khác biệt, cả hai xu hướng đều cho thấy sự hồi phục đáng kể của thị trường đất nền sau giai đoạn trầm lắng kéo dài. Nhu cầu thực vẫn hiện hữu, đặc biệt khi lãi suất cho vay dần ổn định, chính sách tín dụng bất động sản linh hoạt hơn và niềm tin người mua đang quay trở lại.

Tuy vậy, các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên cẩn trọng với các thông tin “thổi giá” vùng ven, đồng thời chú trọng đến yếu tố pháp lý và hạ tầng thực tế của dự án. Với nhà đầu tư cá nhân, nguyên tắc “vị trí - pháp lý - dòng tiền” vẫn là kim chỉ nam trong lựa chọn đất nền phù hợp trong năm 2025.

Trong các phân khúc bất động sản, tăng trưởng mạnh nhất là đất nền (cả về mức độ quan tâm và lượng tin đăng). Cụ thể, tháng 3/3025, trong khi các phân khúc khác có sự tăng trưởng nhẹ về mức độ tìm kiếm (nhà mặt phố tăng 32%; nhà riêng tăng 26%, chung cư tăng 15%), đất nền ghi nhận sự tăng trưởng lên tới 50% so với tháng 2/2025. Trong cùng thời kỳ, tăng trưởng lượng tin đăng phân khúc đất nền đạt 34%, chỉ đứng sau nhà riêng với 37%.

Ngoài ra, theo khảo sát môi giới của Batdongsan.com.vn vào quý đầu năm 2025, đất nền là phân khúc được đánh giá là có sự tăng trưởng mạnh nhất. Theo đó, 44% người tham gia khảo sát nhận định giao dịch đất nền trong quý 1/2025 so với quý 1/2024 “ổn định” (-10% tới +10%); 24% người đánh giá tình hình giao dịch “Tăng” (+10% tới +50%).

Dữ liệu của nền tảng công nghệ Batdongsan.com.vn cũng cho thấy trong tháng 3/2025, lượng tìm kiếm đất nền tại Hà Nội tăng khá mạnh, ở mức 52%, tại TP.HCM tăng 31% và tại các tỉnh khác tăng 54% so với tháng 2/2025.