Hà Nội đề xuất chính sách đặc thù phát triển xây dựng nhà ở, nhà ở xã hội
Hà Nội: Nhà ở riêng lẻ được xác định cao không quá 6 tầng Hoàn thiện chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư dự án nhà xã hội Hà Nội: Thêm 8 dự án nhà ở được phép bán cho người nước ngoài |
Đề xuất trên của thành phố Hà Nội được Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn trình bày tại hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô, do Bộ Tư pháp và UBND thành phố Hà Nội đồng tổ chức.
Giữ ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu trong 10 năm
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cho biết, Thành phố đề xuất 9 chính sách trong xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có nhóm chính sách về tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô.
Cụ thể, thành phố Hà Nội đề xuất được giữ ổn định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố trong giai đoạn 10 năm; được ưu đãi một số khoản thu như (được hưởng số tăng thu từ thu kết dư ngân sách, được thưởng 100% khoản vượt thu ngân sách Trung ương trên địa bàn) để đầu tư phát triển.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn trình bày đề xuất tại hội nghị. |
Đồng thời, được quy định tăng một số loại thuế (thuế sử dụng đất ở các dự án chậm đưa vào sử dụng, một số loại thuế gián thu để điều tiết tiêu dùng); được phân quyền thu thuế đối với hộ gia đình, cá nhân cho cấp huyện, xã; được chủ động trong việc sử dụng, điều hành các khoản thu ngân sách; kế thừa và phát triển các quy định của Nghị quyết số 115/2020/QH14 vào Luật Thủ đô.
Về chính sách thu hút đầu tư, Thành phố đề xuất được thực hiện các hình thức PPP trong các lĩnh vực văn hóa và thể thao (có phạm vi rộng hơn Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư - PPP), được phép quyết định mức vốn Nhà nước ở mức tối đa là 70% trong các dự án PPP.
Thành phố được quyết định danh mục lĩnh vực, hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu cần khuyến khích đầu tư kinh doanh; biện pháp khuyến khích đầu tư; quyết định phương thức thực hiện (đặt hàng, giao nhiệm vụ…) và quy định nguyên tắc, nội dung xác định đơn giá, phương thức thanh toán ngoài các quy định của Trung ương, phù hợp với tình hình thực tế và đặc điểm của Thủ đô.
Đồng thời, được tăng thẩm quyền về quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư theo Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành khác và các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phù hợp với quy hoạch và kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Được thành lập doanh nghiệp Đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước thuộc sở hữu 100% vốn Nhà nước thuộc Thành phố (do UBND Thành phố là đại diện chủ sở hữu) nhằm huy động, tập trung ngân sách và các nguồn lực đầu tư, tạo cơ chế chủ động, linh hoạt để triển khai xây dựng, quản lý và khai thác các dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu của Thủ đô.
Quy định chính sách đặc thù phát triển xây dựng nhà ở, nhà ở xã hội
Đáng quan tâm, thành phố Hà Nội đề xuất Luật Thủ đô cho phép Thành phố được quy định biện pháp ngoài những quy định của pháp luật hiện hành để giải quyết, xử lý đối với các dự án có sử dụng đất còn tồn đọng, vướng mắc trên địa bàn Thành phố (bao gồm cả các dự án đầu tư trước thời điểm điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô năm 2008).
Quy định chính sách đặc thù phát triển xây dựng nhà ở, nhà ở xã hội; cải tạo và chỉnh trang nhà ở cũ, chung cư cũ và chuyển đổi cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm, trường đại học, bệnh viên ra khỏi đô thị trung tâm, dành quỹ đất cho Thủ đô phát triển các hạ tầng xã hội.
Toàn cảnh hội nghị. |
Quy định cơ chế và biện pháp hợp tác, khuyến khích, hỗ trợ người dân tự đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết nhà ở tại các phố cổ, phố cũ; cơ chế chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư (dự án thương mại, dịch vụ) với nhà nước, người dân có đất phải thu hồi; cơ chế và biện pháp thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia phát triển đô thị, các dự án TOD;
“Thành phố đề xuất được ban hành quy định riêng về bảng giá đất, phương pháp định giá đất phù hợp điều kiện phát triển hạ tầng, phát triển đô thị Thủ đô và sát với giá thị trường. Được sử dụng 100% các khoản thu từ đất đai (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) cho phát triển hạ tầng của Thủ đô”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố cho biết.
Trong xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Thành phố đề xuất được phân quyền: Lập, phê duyệt các quy hoạch về nông nghiệp, nông thôn, thủy lợi, đê điều, phòng chống lũ của tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố. Quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang các loại đất nông nghiệp khác; được quy định cơ chế tích tụ, tập trung đất đai, huy động góp vốn bằng đất nông nghiệp.
Đồng thời, được ban hành cơ chế hỗ trợ ngoài quy định của trung ương về phát triển hợp tác xã, phù hợp với tính xã hội của khu vực nông thôn; phát triển kinh tế trang trại, gia trại liên kết với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với tiêu thụ sản phẩm nông thôn, sản phẩm làng nghề giàu bản sắc văn hoá Thủ đô.
Ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ về tài chính (cao hơn so với quy định của trung ương), khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn.
Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động ươm tạo, đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô; Được áp dụng mức ưu đãi hỗ trợ cao nhất (tương đương các mức ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao) đối với các doanh nghiệp thực hiện đề tài, dự án ươm tạo và có các sản phẩm tạo ra từ hoạt động ứng dụng công nghệ ươm tạo.
Đồng thời, có cơ chế khuyến khích thí điểm triển khai mô hình tổ chức đầu tư mạo hiểm có sử dụng một phần ngân sách Thành phố và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thu hút, thúc đẩy khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp, đổi mới công nghệ theo lĩnh vực ưu tiên...
Bình luận