Hà Nội: Thêm 69 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư
Thêm 306 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã giao dịch chứng khoán Mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam |
Ngày 12/9, tại Kỳ họp thứ chín (kỳ họp chuyên đề), Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã nghe Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn trình bày Tờ trình về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 ngân sách Thành phố; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thành phố.
Thêm 69 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư
Về cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, tổng kế hoạch vốn bố trí năm 2021, năm 2022 đến nay là 62.315,3 tỷ đồng, bằng 26,5% tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp Thành phố.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn trình bày Tờ trình tại Kỳ họp. |
Về tình hình thực hiện thủ tục đầu tư các dự án mới, Thành phố có thêm 69 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó có 6 công trình trọng điểm (gồm 4 dự án giao thông và 2 dự án di tích).
Tuy nhiên, kết quả thực hiện kế hoạch chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư phê duyệt dự án chậm. Nhiều dự án mới dự kiến hoàn thành trong giai đoạn này nhưng với tiến độ chuẩn bị đầu tư hiện nay khó bảo đảm khả năng hoàn thành theo kế hoạch đề ra.
Đối với các dự án trọng điểm, Thành phố có 39 dự án trọng điểm nhưng tiến độ triển khai của các dự án rất chậm. Dự án có sử dụng vốn ngân sách có 32 dự án; dự án sử dụng nguồn vốn khác có 1 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và 6 dự án sử dụng vốn xã hội hóa. Đặc biệt, đối với các dự án sử dụng vốn ODA, tiến độ triển khai chậm, hầu hết vướng công tác giải phóng mặt bằng và một số dự án có thời gian điều chỉnh dự án, hiệp định vay kéo dài.
Cũng theo ông Đỗ Anh Tuấn, nhu cầu bổ sung vốn trung hạn rất lớn và hiện còn rất nhiều dự án đề xuất bổ sung vào trung hạn, tạo sức ép lớn về nguồn và khó khăn trong cân đối nguồn vốn để phê duyệt chủ trương đầu tư tại một số ngành, lĩnh vực, đặc biệt là giao thông.
Hiện còn tổng 8.844,1 tỷ đồng chưa được bố trí chi tiết kế hoạch vốn trung hạn ở các ngành, lĩnh vực, trong khi còn 244 dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư khoảng 202.047 tỷ đồng chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư do chưa cân đối được nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó có 13 dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư dự kiến là 115.884 tỷ đồng.
Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đề xuất xác định kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho 22 dự án mới đã được HĐND Thành phố quyết nghị chủ trương đầu tư là 2.553,1 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn của từng ngành, lĩnh vực đã được xác định tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23-9-2021.
Bổ sung danh mục và kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn là 76,4 tỷ đồng cho 8 dự án; bổ sung kế hoạch vốn cho 11 dự án đã được HĐND Thành phố phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án với kinh phí 359,1 tỷ đồng. Dự phòng đầu tư công trung hạn 1.301,4 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ, các dự án có tính khẩn cấp giai đoạn tới như đê điều, y tế, môi trường…
Tổng kế hoạch đầu tư công của Thành phố là 51.582,9 tỷ đồng
Tại kỳ họp, UBND Thành phố trình phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 như sau: Về dự án xây dựng cơ bản cấp Thành phố, điều chỉnh giảm 1.228,3 tỷ đồng, giảm 1.465,7 tỷ đồng của 35 dự án, trong đó có 32 dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố và 3 dự án theo cơ chế đặc thù sử dụng nguồn thu từ đất.
Điều chỉnh tăng 237,4 tỷ đồng cho 18 dự án, trong đó có 1 dự án khẩn cấp, 14 dự án đang triển khai bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ/hoàn thành dự án và 3 dự án mới đủ điều kiện bố trí vốn.
Toàn cảnh Kỳ họp. |
Cũng theo Tờ trình về điều chỉnh dự án cấp huyện được ngân sách Thành phố hỗ trợ gồm 70 dự án. Trong đó, điều chỉnh 115,9 tỷ đồng cho 62 dự án thực hiện “Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích” và xây dựng nhà văn hóa thôn. Điều chỉnh giảm 15 tỷ đồng của 1 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa bàn xã Hồng Kỳ bị ảnh hưởng bởi Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn; điều chỉnh giảm 84,8 tỷ đồng của 7 dự án xây dựng hạ tầng kinh tế.
Tổng nhu cầu vốn cho các dự án được ngân sách Thành phố hỗ trợ là 16,1 tỷ đồng được đề xuất bố trí từ nguồn vốn điều chỉnh giảm các dự án cấp Thành phố nêu trên. Sau khi phân bổ, nguồn vốn điều chỉnh giảm kế hoạch vốn dự án cấp Thành phố còn lại là 1.212,2 tỷ đồng.
Như vậy, tổng nguồn vốn đề xuất phân bổ cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án sau điều chỉnh, điều hòa các dự án xây dựng cơ bản tập trung cấp Thành phố và hỗ trợ cấp huyện là 2.718,2 tỷ đồng.
“Phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của Thành phố cơ bản đáp ứng nhu cầu đề xuất bố trí vốn thực hiện các dự án của các chủ đầu tư, bảo đảm cân đối nguồn vốn đầu tư công của Thành phố và tuân thủ nguyên tắc điều chỉnh, quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.
Sau phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Thành phố năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư công của Thành phố không thay đổi là 51.582,9 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cấp huyện là 29.770,3 tỷ đồng, ngân sách cấp Thành phố là 21.302,7 tỷ đồng”, ông Tuấn cho biết.
Bình luận