Phát triển du lịch phải gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng sen trên vùng đất trũng

Đa dạng hóa ngành nghề nông thôn

Du lịch nông nghiệp được những người làm du lịch đánh giá có nhiều ưu thế khi du khách đã quá quen với các sản phẩm du lịch truyền thống.

Quá trình tham quan, khám phá, trải nghiệm du lịch nông nghiệp sẽ tạo ra hứng thú mới cho khách khi họ được hiểu hơn về môi trường, cảnh quan tự nhiên, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt người dân và được hòa mình với thiên nhiên.

Hơn nữa, du lịch nông nghiệp còn góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn; tạo việc làm tại chỗ; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương.

Hà Nội: Thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp
Du lịch nông nghiệp giúp cho du khách được hiểu hơn về môi trường, cảnh quan tự nhiên, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt người dân và được hòa mình với thiên nhiên.

Hiện nay, các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Hà Nội chú trọng khai thác yếu tố văn hóa, văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan di sản văn hóa, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ hoạt động du lịch học đường, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần tại khu vực ngoại thành Hà Nội và các vùng phụ cận.

Thời gian gần đây, trên trên địa bàn Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình trang trại sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục, tiêu biểu như: Khu du lịch sinh thái Bản Rõm xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn), trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì)… Đây là những địa chỉ quen thuộc với nhiều người, nhất là học sinh.

Đến với các mô hình trên, du khách được tận hưởng không khí trong lành, tự tay trồng rau, thu hoạch sản phẩm và thưởng thức các loại nông sản tươi ngon do nông dân nuôi, trồng theo phương pháp hữu cơ ngay tại trang trại...

Ngoài ra, tại một số huyện như: Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thạch Thất, Đan Phượng,… xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch, hấp dẫn du khách bởi những vườn cây trĩu quả.

Hà Nội: Thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp
Một số mô hình du lịch mới tại các vùng ngoại thành Hà Nội phục vụ hoạt động du lịch học đường.

Có thể thấy, phát triển trang trại, hợp tác xã nông nghiệp kết hợp du lịch giáo dục trải nghiệm đã mở ra hướng mới cho nhiều vùng ngoại thành Hà Nội.

Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những nghệ nhân qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng.

Các làng cổ khu vực ngoại thành Hà Nội cũng là lợi thế để hình thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, thu hút khách đến tham quan, sinh hoạt cùng nông dân bản địa.

Xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm không chỉ được biết tới là quê hương của Thánh Gióng với Di tích quốc gia đặc biệt đền thờ Thánh Gióng và Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại Lễ hội Gióng, mà còn là làng nghề trồng hoa cây cảnh đã được thành phố Hà Nội công nhận.

Theo Bí thư Ðảng ủy xã Phù Ðổng Phùng Xuân Việt, hướng phát triển du lịch của Phù Đổng hiện nay dựa trên cơ sở khai thác lợi thế văn hóa, cảnh quan của xã, sẽ tạo một vòng khép kín cho du khách tham quan.

Du khách có thể trải nghiệm du lịch văn hóa tâm linh, thăm làng hoa giấy, cảnh quan sinh thái, du lịch đồng ruộng, thưởng thức ẩm thực Phù Đổng. Hướng đi này kỳ vọng thu hút nhiều du khách đến với Phù Đổng.

Hà Nội: Thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp
Đoàn công tác của Sở Du lịch Hà Nội khảo sát mô hình du lịch nông nghiệp tại huyện Đan Phượng.

Huyện Đan Phượng, địa phương đầu tiên của Hà Nội được công nhận nông thôn mới, sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi, hệ thống di tích, di sản văn hóa và các làng nghề truyền thống có khả năng phát triển du lịch rất tốt.

Theo ông Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng, du lịch là định hướng mới của Đan Phượng, dựa trên những tài nguyên cơ bản của địa phương, trong đó chủ đạo là tài nguyên văn hóa, di tích giá trị lịch sử kiến trúc và phát triển thêm các điểm tham quan.

Với diện tích lớn dành cho canh tác nông nghiệp và trồng hoa, các loại hình trải nghiệm nông nghiệp kết hợp du lịch sẽ là thế mạnh của huyện Đan Phượng.

Không để tiềm năng ngủ quên

Mặc dù có tiềm năng, lợi thế lớn và được nhiều du khách quan tâm nhưng thực tế cho thấy các hoạt động du lịch nông nghiệp tại Hà Nội vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu.

Theo những người làm du lịch, để phát triển du lịch nông nghiệp cần có quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp theo một quy chuẩn cụ thể. Thành phố cần hỗ trợ xây dựng chương trình quảng bá cho loại hình du lịch này, đảm bảo du lịch nông nghiệp được thực hiện quanh năm theo mùa vụ; tập huấn cho những người tham gia vào hoạt động du lịch nông nghiệp…

Nhằm hỗ trợ cho du lịch nông thôn phát triển một cách bài bản, hiệu quả hơn, cách đây ít ngày, Đoàn công tác của Sở Du lịch Hà Nội do ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch làm Trưởng đoàn đã tổ chức khảo sát thực tế việc xây dựng thí điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn tại huyện Đan Phượng.

Tham gia Đoàn công tác có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương Hà Nội, Phòng Quản lý du lịch và các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia; đại diện lãnh đạo UBND huyện, trưởng các phòng, ban, ngành huyện và các chủ hộ làm mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện.

Hà Nội: Thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đánh giá cao những mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại huyện Đan Phượng.

Tại buổi làm việc, các thành viên của Đoàn công tác được khảo sát thực tế tại các hộ sản xuất, Hợp tác xã nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn huyện. Nội dung chuyến khảo sát nhằm tìm hiểu mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Đan Phượng để xây dựng thí điểm mô hình phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Đoàn tập trung đánh giá, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương khác; góp ý, đề xuất phương hướng xây dựng mô hình khảo sát tại địa phương nhằm phát huy được tiềm năng đang có. Từ đó, tạo điều kiện cho các hộ dân làm du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện nâng cao nhận thức, ứng dụng thực tế hiệu quả tại địa phương.

Qua khảo sát thực tế, huyện Đan Phượng từng bước phát triển các mô hình nông nghiệp kết hợp làm du lịch nông nghiệp. Đây là các mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút đông đảo du khách đến huyện khám phá và trải nghiệm.

Tiêu biểu là Mô hình sản xuất nho hạ đen được triển khai từ năm 2019 tại xã Phương Đình, đến nay đã mở rộng trên địa bàn 4 xã Đan Phượng, Phương Đình, Trung Châu, Hạ Mỗ, tổng diện tích là 3,53ha trong đó 2ha đạt tiêu chuẩn VIETGAP. Sản phẩm nho Hạ đen xã Phương Đình được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Mô hình Hợp tác xã rau hữu cơ Cuối Quý có diện tích 5ha, sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao được sản xuất năm 2018 với 21 sản phẩm rau được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Cung cấp sản phẩm rau quả thường xuyên 6 tấn/tháng ra thị trường, doanh thu 1.200 triệu đồng/năm.

Mô hình Hợp tác xã nấm Nghĩa Minh sản xuất các loại nấm linh chi, nấm sò và các loại nấm khác theo tiêu chuẩn công nghệ cao có tổng diện tích 2.000m2. Hàng năm, cung cấp gần 60 tấn nấm các loại ra thị trường. Doanh thu 3 tỷ đồng/năm. Sản phẩm nấm của Hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Đặc biệt, xây dựng sản phẩm thương hiệu bưởi tôm vàng gần 500 ha là cơ sở phát triển nhãn hiệu tập thể, sản phẩm chủ lực của huyện. Có thể nói, nhờ phát triển các mô hình, cuộc sống của người dân đang ngày càng khởi sắc. Tiềm năng và lợi thế được khai thác hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái theo hướng bền vững.

Ông Trần Trung Hiếu đánh giá cao những kết quả việc xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn và kết quả khảo sát thực tế tại huyện Đan Phượng. Đồng thời, đề ra phương hướng, giải pháp cụ thể nhằm phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại huyện Đan Phương trong thời gian tới.

Ngành du lịch Thủ đô đã xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về du lịch tại các quận, huyện đồng thời thúc đẩy xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch khu vực nông thôn Hà Nội. Đó là một trong những hướng đi quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp của thành phố.