Hợp đồng lao động được tạm hoãn thực hiện trong trường hợp nào? Quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động Điều kiện người lao động nước ngoài được tuyển dụng, làm việc tại Việt Nam
Hà Nội: Trên 99% doanh nghiệp mở xưởng để sản xuất sau Tết
Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, tính đến 11h ngày 30/1 (tức mùng 9 Tết Nguyên đán Quý Mão), đã có 99,2% doanh nghiệp mở xưởng để sản xuất với 97,8% số công nhân lao động trở lại làm việc.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã thành lập 6 đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra việc thực hiện kỷ cương hành chính và nắm tình hình công nhân, viên chức, lao động tại một số Công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở trên địa bàn Thành phố.

Qua nắm bắt tình hình, tư tưởng công nhân lao động trên địa bàn Thành phố trong những ngày đón xuân mới tương đối ổn định, vui mừng phấn khởi; công nhân lao động đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Công đoàn tới những đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết, đặc biệt là các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động do Công đoàn tổ chức như: Chương trình “Tết sum vầy”; “Chợ Tết Công đoàn”; “Xe ô tô miễn phí đưa công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết”…

Ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau Tết, công nhân lao động đã tích cực hưởng ứng việc đăng ký các công trình, sản phẩm cất lượng cao mừng Đảng, mừng Xuân, tạo khí thế ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm.

Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thành phố ổn định, không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể.

Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thông qua các hoạt động, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã chi trên 144 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động. Trong đó, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố và Công đoàn cấp trên cơ sở đã dành nguồn kinh phí hơn 74 tỷ đồng để chi hỗ trợ cho 87.201 đoàn viên, người lao động khó khăn.