Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt gần 500 tỉ USD trong 9 tháng năm 2023 Xuất khẩu gạo ước đạt 3,66 tỉ USD trong 9 tháng năm 2023 Các giải pháp xúc tiến thương mại xuất nhập khẩu mang lại hiệu quả nhất định

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 ước tính đạt 1.454 triệu USD, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, khu vực kinh tế trong nước đạt 870 triệu USD, tăng 2,7% và tăng 31,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 584 triệu USD, tăng 2,7% và giảm 15,4%.

Trong tháng 10, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là máy móc thiết bị, phụ tùng; phương tiện vận tải và phụ tùng, xăng, dầu; hàng nông sản; hàng hóa khác.

Hoạt động xuất, nhập khẩu của Hà Nội có nhiều tín hiệu tích cực
Nhóm máy móc thiết bị, phụ tùng có kim ngạch xuất khẩu tăng cáo so với với cùng kỳ. (Ảnh minh hoạ: Hà Phong)

Trong tháng, 5/12 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm so với cùng kỳ năm trước là: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 180 triệu USD, giảm 27,5%; hàng dệt may đạt 165 triệu USD, giảm 12,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 64 triệu USD, giảm 2,8%; giầy dép và sản phẩm từ da đạt 20 triệu USD, giảm 49,1%; điện thoại và linh kiện đạt 4 triệu USD, giảm 61%.

Mặc dù trong tháng 10 có tín hiệu tích cực, nhưng tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 13,8 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 7,9 tỷ USD, tăng 5,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5,9 tỷ USD, giảm 9,7%.

Cũng theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước tính đạt 3.636 triệu USD, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 3.072 triệu USD, tăng 0,6% và tăng 15,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 564 triệu USD, tăng 9,7% và giảm 8,8%.

Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 30,6 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 25,3 tỷ USD, giảm 7,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 5,3 tỷ USD, giảm 17,9%.

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng cơ chế chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan Trung ương trên địa bàn.

UBND Thành phố giao các sở, ban, ngành hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa và không ngừng tự đào tạo hoặc tham gia các khóa đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố.

Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới. Trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố cả nước, hạn chế các hoạt động đơn lẻ nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực…