Đa dạng thị trường tiêu thụ nhãn tươi

Là địa phương thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, đất đai phì nhiều, nên dù đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Đảng bộ Hưng Yên vẫn luôn coi ngành Nông nghiệp là một trong ba trụ cột quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng rộng về quy mô, tăng về năng suất, an toàn về chất lượng, hiệu quả về kinh tế, mở rộng về thị trường là những định hướng có tính nguyên tắc.

Hưng Yên cấp mã số vùng trồng cây ăn quả: Nông sản rộng đường ra “biển lớn”
Nhãn lồng, thương hiệu nổi tiếng của Hưng Yên (Ảnh: HY)

Thế nên, ngoài việc đẩy mạnh công tác dồn điển, đổi thửa tạo ra cánh đồng mẫu lớn; khôi phục, phát huy hiệu quả mô hình hợp tác xã nông nghiệp, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất, để nâng tầm thương hiệu nông sản Hưng Yên trên thị trường nội địa cũng như chiếm lĩnh thị trường ngoài nước, những năm qua, tỉnh còn xây dựng và cấp cấp MSVT cho các loại nông sản trên nền tảng số. Việc cấp MSVT giúp khách hàng dù bất kỳ nơi đâu cũng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Hưng Yên có trên 15.000 ha cây ăn quả (4.731 ha nhãn; 1.225 ha vải; 2.735 ha chuối; 2.019 ha bưởi; 1.970 ha cam). Trong số này đã có gần 3.100 ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP, VietGAHP. Các sản phẩm đã có mặt tại thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia... và đang xúc tiến sang một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác…

Hưng Yên cấp mã số vùng trồng cây ăn quả: Nông sản rộng đường ra “biển lớn”
Vải trứng cũng là một thương hiệu nông sản mới nổi của tỉnh

Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, để các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP, MSVT thực sự là “giấy thông hành” về chất lượng, các cán bộ của các ngành Nông nghiệp, Khoa học- Công nghệ, khuyến nông… phải trực tiếp đến từng hộ gia đình, hợp tác xã hướng dẫn, phổ biến các kiến thức về áp dụng khoa học, công nghệ vào quá trình trồng trọt, sản xuất. Đồng thời, bản thân mỗi hộ dân, hợp tác xã… cũng phải ký cam kết về việc thực hiện nghiêm ngặt quy trình trồng trọt, sản xuất, chế biến nông sản theo đúng tiêu chuẩn, tiêu chí đã đề ra.

Phát huy lợi thế so sánh, áp dụng và quản lý nghiêm ngặt từ khâu trồng trọt, sản xuất, chế biến theo các tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP cũng như với việc cấp mã MSVT hy vọng sẽ tạo ra bước ngoặt để những nhãn lồng, vải trứng nói riêng, nông sản Hưng Yên nói chung rộng đường ra "biển lớn".