Giải bài toán lao động mất việc dịp cuối năm thế nào?Tích cực hỗ trợ người lao động mất việc
Ít việc, thu nhập giảm, công nhân thắt chặt chi tiêu
Doanh nghiệp ngành Dệt may tại Thái Bình đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa để duy trì thu nhập cho người lao động. Ảnh: Hữu Phước

Hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập

Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 9.600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký hoạt động. Trong đó có 4 doanh nghiệp Nhà nước, 9.503 doanh nghiệp dân doanh và 93 doanh nghiệp FDI.

Lực lượng lao động trong độ tuổi đang tham gia hoạt động khoảng trên 1,1 triệu người, trên 300.000 lao động đang làm việc tại khu vực doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Đến cuối tháng 11.2022, có khoảng 200 doanh nghiệp (sử dụng trên 110.000 lao động) đã gửi báo cáo, thông tin về tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng.

Hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào, sản phẩm, hàng hóa tiêu thụ chậm, đơn hàng bị cắt giảm nên đã thỏa thuận với người lao động để điều chỉnh, giảm giờ làm. Cụ thể, có khoảng 10 doanh nghiệp (sử dụng 11.000 lao động) thỏa thuận tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với 220 người; 7 doanh nghiệp điều chỉnh, giảm giờ làm từ 100 lao động trở lên.

Số lao động bị ảnh hưởng khoảng 900 lao động, chia theo loại hình doanh nghiệp có 6 doanh nghiệp dân doanh, 4 doanh nghiệp FDI; chia theo ngành nghề hoạt động có 5 doanh nghiệp lĩnh vực dệt may da giày, 2 doanh nghiệp điện tử, 3 doanh nghiệp cơ khí.

Dự báo, trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Thái Bình sẽ có thêm một số doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể phải cắt giảm thời gian, việc làm với khoảng 1.000 người lao động - chủ yếu rơi vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực dân doanh.

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là ở chiều ngược lại, khoảng 200 doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng trên 25.000 lao động, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất ngành dệt may, da giày.

Không tăng ca, công nhân phải thắt lưng buộc bụng

Anh N.V.T (31 tuổi, trú xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) - công nhân một công ty da giày đặt tại huyện Tiền Hải, cho biết: “Nếu như trước đây chúng tôi tăng ca đều, làm đến khoảng 5h30 chiều mới về thì thời gian làm thêm được khoảng 1 tiếng rưỡi, mỗi tiếng được trả thêm khoảng 30.000 đồng. Khoảng 2 tháng trở lại đây, công ty ít việc, cứ khoảng 16h chiều là công nhân được về. Trước đây thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng, giờ chỉ còn hơn 5 triệu đồng”.

Anh T cho biết, hai vợ chồng anh đều làm công nhân, vợ anh làm công ty may và cũng không tăng ca những ngày vừa qua. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng đang từ khoảng 13 triệu đồng/tháng, nay chỉ còn 9 triệu đồng/tháng.

“Nhà tôi có hai con nhỏ, con lớn học mẫu giáo 3 tuổi, cháu bé gần 12 tháng tuổi ở nhà bà nội trông nom. Thu nhập của 2 vợ chồng giảm đến 4 triệu đồng/tháng so với trước đây nên mọi khoản chi tiêu đều phải siết lại, thậm chí cắt giảm sâu những khoản chưa thực sự thiết yếu”, anh T tâm sự.

Từ nhiều năm qua, Công ty Dệt sợi An Nam (huyện Tiền Hải) luôn trực tiếp ký kết xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm sợi với đối tác nước ngoài mà không qua khâu trung gian nên đơn vị luôn chủ động được đơn hàng. Thế nhưng khoảng 4 tháng trở lại đây đơn hàng giảm sút, thị trường xuất khẩu hết sức khó khăn nên hầu hết đơn hàng xuất khẩu của đơn vị luôn bị chậm, thủ tục nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào cũng phát sinh khó khăn.

“Để duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, bên cạnh việc cắt giảm lao động thời vụ, rút ngắn thời gian làm việc trong ngày và tăng số ngày nghỉ trong tuần cho người lao động, chúng tôi đã chủ động tìm kiếm các đơn hàng phục vụ ngành dệt may tiêu thụ trong thị trường nội địa để duy trì thu nhập cho người lao động. Đây cũng là giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp dệt may nỗ lực thực hiện trong thời điểm hiện nay” - đại diện Công ty An Nam cho hay.

Ngày 11.12, trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Vũ Thái Học - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tiền Hải - cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp ít việc hơn nên chỉ làm hành chính, dẫn đến thu nhập của công nhân lao động bị kéo giảm theo. Một số công ty tư nhân quy mô 30 - 50 lao động chuyên nhận việc từ các công ty lớn về để gia công 1 công đoạn nào đó thì không có việc, dẫn đến phải cắt giảm lao động thời vụ. Một số doanh nghiệp đặc thù sản xuất sứ, gạch thì vẫn có tình trạng chậm trả lương, gối lương do hàng hóa sản xuất ra chưa tiêu thụ được.

Theo Văn Du/laodong.vn

https://laodong.vn/cong-doan/it-viec-thu-nhap-giam-cong-nhan-that-chat-chi-tieu-1126647.ldo