VDSC: Ngân hàng Nhà nước sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm 2023 Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2: Các nhà thầu được chọn lựa kỹ lưỡng
Khoảng 3.460 doanh nghiệp bất động sản giải thể, dừng kinh doanh trong năm 2022
Thị trường địa ốc năm 2022 trầm lắng, yếu giao dịch, doanh nghiệp gặp khó khăn. (Ảnh minh họa: Văn Luận)

Tại Hội thảo “Bắt mạch thị trường bất động sản 2022 và dự báo 2023”, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng. Hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp,... đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn.

Tình trạng này không chỉ kéo dài một hai tháng mà đã diễn ra trong suốt nửa cuối năm 2022 và càng về sau thì “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp càng suy giảm.

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Các công ty còn hoạt động trong lĩnh vực này phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, cắt giảm bộ máy nhân sự.

Ngoài ra, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (lên đến hơn 30% giá hợp đồng nếu thanh toán ngay).

Theo thống kê của ông Phạm Lâm - Tổng Giám đốc DKRA Vietnam, trong 11 tháng năm 2022 có khoảng 3.460 doanh nghiệp bất động sản giải thể, dừng kinh doanh có thời hạn trong năm 2022.

Tổng Giám đốc DKRA Vietnam nhận định, doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt nhiều khó khăn như: Nguồn cung khan hiếm, sức cầu thị trường giảm mạnh, việc đáo hạn/mua lại trước hạn trái phiếu và gánh nặng chi phí vận hành. Bên cạnh đó là dòng tiền gặp khó kéo theo vòng xoay các khoản công nợ phát sinh từ việc nhận hay cung cấp sản phẩm/dịch vụ bị đình trệ.

Trước tình trạng khó khăn trên, Tổng Giám đốc DKRA Vietnam đưa ra giải pháp là doanh nghiệp cần tối ưu chi phí vận hành, cắt giảm nhân sự hiện hữu. Với doanh nghiệp có trái phiếu cần chủ động phương án trả nợ với các lô trái phiếu sắp đến hạn.

Đồng thời, doanh nghiệp cần cơ cấu lại danh mục tài sản, doanh mục đầu tư, áp dụng công nghệ vào việc quản lý và bán hàng giúp tiết kiệm chi phí; chủ động tìm kiếm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư ngoại, ưu tiên phát triển những dự án chiến lược có pháp lý hoàn thiện và tránh việc đầu tư dàn trải.

Báo cáo thị trường bất động sản 2022 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương 90% tổng lượng sản phẩm chào bán mới năm 2021 - thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và chỉ bằng 28% so với năm 2018 (180.000 sản phẩm). Cơ cấu nguồn cung chủ yếu là các sản phẩm cao cấp, đầu tư; thiếu vắng hẳn các sản phẩm nhà ở phù hợp với “túi tiền” của số đông người dân.

Về tỷ lệ tiêu thụ, toàn thị trường năm 2022 chỉ đạt khoảng 39%, tương đương với 19.000 giao dịch thành công, bằng 69% lượng tiêu thụ năm 2021 và chỉ bằng 17% lượng giao dịch của năm 2018. Riêng quý IV, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt mức 14%.