Khơi thông "dòng chảy" du lịch quốc tế sau đại dịch Covid-19
Du lịch phục hồi mạnh mẽ
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ những khó khăn, mất mát của ngành du lịch trong thời gian dịch bệnh vừa qua đồng thời biểu dương các địa phương, doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đổi mới phương thức hoạt động, chuẩn bị và có bước phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,2 triệu lượt, tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 79,8 triệu lượt, đem về nguồn thu 356.600 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Ngành du lịch Việt Nam tiếp tục nằm trong số những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50-75%.
Dưới góc độ là địa phương nơi mà ngành du lịch, dịch vụ đóng góp chủ yếu nguồn thu ngân sách, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM Phan Thị Thắng chia sẻ: Khách quốc tế đến Thành phố chiếm gần 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm 1/4 doanh thu khách du lịch cả nước. Không chỉ là điểm đến thu hút khách quốc tế, TP.HCM còn là "cửa ngõ" thu hút khách du lịch cho các vùng lân cận. Du lịch phát triển sẽ thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác nhất là lĩnh vực dịch vụ và chuỗi cung ứng. Trong 8 tháng đầu năm 2022, TP.HCM đã đón hơn 1,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 16,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng doanh thu ước đạt 74.500 tỷ đồng, tăng 90,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Một gian hàng của Pakistan tham gia Hội chợ ITE HCMC 2022. |
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) Hà Văn Siêu: Với cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên thuộc hàng kỳ quan thế giới, bãi biển đẹp, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng hoàn thiện, hệ thống khách sạn, resort đẳng cấp quốc tế, được đầu tư xây dựng mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt tình hình chính trị ổn định, sự hiếu khách của người dân là những nhấn tố để Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định, thu hút đầu tư, phát triển loại hình du lịch MICE, tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn là một trong những định hướng quan trọng để thu hút cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa. Các điểm đến trong nước phát triển loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện) gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP.HCM. Việc phát triển du lịch MICE được gắn kết với các loại hình, sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái và du lịch đô thị.
Hoàn thiện chính sách phát triển du lịch
Để tiếp tục phát triển du lịch quốc tế bền vững, nhất là sau đại dịch Covid-19, cả nước bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, từng địa phương cần có sự hỗ trợ thiết thực, đặc biệt đối với các đơn vị chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Qua đại dịch, các địa phương cũng cần xem lại toàn bộ chính sách phát triển du lịch, để phát triển bền vững hơn. Cần phân tích rõ việc thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, huy động doanh nghiệp tham gia vào việc đào tạo ngành du lịch cũng như tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số, tiếp tục thực hiện các giải pháp đưa du lịch thành ngành mũi nhọn.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến trên toàn cầu, Việt Nam cần phải có những chiến lược, sản phẩm độc đáo riêng phù hợp với xu hướng du lịch mới hậu Covid-19. Trong đó thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE là một trong những định hướng quan trọng của du lịch Việt Nam đến năm 2025.
"Du lịch MICE có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến. Song đây cũng là loại hình du lịch đòi hỏi mức độ cao về sự chuyên nghiệp, tính kết nối, chọn lọc các điểm đến, sản phẩm trải nghiệm. Vì vậy, để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam, các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến cần tiếp tục có những định hướng, giải pháp đồng bộ cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành, dịch vụ liên quan", Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, về xu hướng phát triển du lịch quốc tế, phát triển du lịch MICE sau đại dịch và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để phục hồi và thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến được yêu chuộng của du khách quốc tế và lan tỏa hình ảnh Việt Nam đến toàn cầu.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) Hà Văn Siêu: Để du lịch MICE thực sự có những bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, các địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn hóa dịch vụ MICE; tăng cường năng lực tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế; hoàn thiện hạ tầng, nâng cấp chất lượng dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp cũng như tăng cường liên kết phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch MICE có khả năng cạnh tranh cao.
Không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ là giải pháp để du lịch quốc tế phát triển bền vững. |
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng: Để chủ động phục hồi và phát triển du lịch, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp, quảng bá, xây dựng và kiến tạo nhiều sản phẩm điểm đến du lịch, liên kết với các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó, Thành phố cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, dịch vụ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Võ Anh Tài, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết: Hiện nay ngành du lịch dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn đang tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị. Trong thời gian còn lại của năm 2022 và bước sang năm 2023, ngành du lịch Việt Nam cần có các kế hoạch xúc tiến quảng bá các chương trình, sự kiện, sản phẩm du lịch mang thương hiệu Việt Nam tại các thị trường tiềm năng cũng như mở rộng khai thác các thị trường Mỹ, Úc, Asia,…
Ngành du lịch cũng cần có các giải pháp cụ thể, hiệu quả từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp để thúc đẩy sự liên kết du lịch với các nước trong khu vực có nguồn phát triển khách quốc tế lớn để kết nối thêm chuyến đi vào Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành du lịch hiện nay đang rất cần các chính sách đào tạo mới và đào tạo lại nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được cao yêu cầu của du khách quốc tế, phù hợp với việc phát triển trong tình hình mới.
“Chúng tôi cũng đề nghị tái khởi động lại Chương trình 3 quốc gia 1 điểm đến gồm Việt Nam - Lào - Campuchia và chương trình 5 quốc gia 1 điểm đến có thêm Myanmar và Thái Lan. Sau Covid-19 những chương trình này cần được khởi động để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam và khu vực”, ông Võ Anh Tài nêu quan điểm.
Bình luận