Kiếm "bội tiền" nhờ dịch vụ lái xe hộ người uống rượu, bia
Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá |
Theo kế hoạch mới nhất của Bộ Công an, đợt cao điểm kiểm soát nồng độ cồn tiếp tục thực hiện mạnh tới ngày 14/12/2023. Nắm bắt được vấn đề này, một số doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai ứng dụng hỗ trợ lái xe đưa khách nhậu, người say về nhà.
Hiện, tình trạng cầm lái sau mỗi cuộc liên hoan không còn là phương án di chuyển nhiều người lựa chọn, thay vào đó dịch vụ đưa người uống rượu, bia về nhà đang ngày càng lên ngôi. Đó là sự thay đổi về ý thức tham gia giao thông, đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân, gia đình và xã hội.
Lực lượng cảnh sát Công an TP Hà Nội ra quân thực hiện cao điểm Kế hoạch kiểm soát nồng độ cồn đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. (Ảnh: H.Phong) |
Thực tế, dịch vụ lái xe hộ đưa khách nhậu về nhà bắt đầu manh nha từ những năm 2019 khi Nghị định 100 bắt đầu thực hiện. Tuy vậy, những tháng cao điểm gần đây dịch vụ này mới phát triển mạnh. Bản chất của dịch vụ lái xe hộ là khi khách nhậu say có xe ô tô, nhưng không muốn tự lái, sẽ gọi điện cho dịch vụ lái xe hộ có trên một số ứng dụng để thuê đưa xe và người về nhà an toàn. Giá dịch vụ theo cung đường, khung giờ, càng về khuya giá càng cao.
Tại Hà Nội, dịch vụ lái xe hộ khách nhậu ViSafe được quảng cáo có thể thuê tài xế theo giờ, theo ngày, một chiều, theo yêu cầu riêng. Đại diện ViSafe khẳng định, tài xế tham gia phải có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm, có bằng B2 trở lên và có hồ sơ nhân thân rõ ràng để quản lý, đảm bảo yên tâm cho khách khi giao xe ô tô.
Tìm hiểu trên fanpage của ViSafe, tại Hà Nội, rất nhiều người muốn đăng ký trở thành tài xế.
Cũng tại Hà Nội, dịch vụ lái xe hộ có tên HG, với phương thức hoạt động tương tự ViSafe, được quảng cáo giá từ 340.000 đồng/chuyến. Dịch vụ này hoạt động 24/24 giờ, nếu quãng đường dưới 10km và trước 22 giờ tối giá là 340.000 đồng/chuyến; sau 22 giờ giao động từ 360.000 - 380.000 đồng/chuyến, trên 10km trả thêm từ 30.000 - 40.000 đồng; quãng đường trên 30km, giá thỏa thuận.
Anh Nguyễn Mạnh Hà (42 tuổi, ở Tây Hồ, Hà Nội) - người thường xuyên sử dụng dịch vụ lái xe hộ người đã uống bia, rượu cho biết: “Công việc của tôi thường xuyên phải đi tiếp khách. Sau những cuộc nhậu, việc tự lái xe về nhà rất nguy hiểm và cũng lo ngại bị thổi nồng độ cồn. Bởi vậy, dịch vụ này là giải pháp cứu cánh cho người uống bia, rượu”.
Tương tự, anh Mai Văn Thành (35 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) cũng cho rằng, đây là một dịch vụ hữu ích, vừa có thể tạo thêm thu nhập cho các tài xế, vừa góp phần làm giảm thiểu các vụ tai nạn.
“Dịch vụ lái xe hộ ra đời là một giải pháp cứu cánh cho những người đi ô tô mà phải sử dụng bia, rượu. Người sử dụng dịch vụ chỉ cần vài giây thao tác trên điện thoại và sau một khoảng thời gian ngắn, tài xế đã đứng chờ ở quán để sẵn sàng lái xe hộ đưa khách hàng về nhà”, anh Thành cho hay.
Tuy nhiên, để người uống bia, rượu được tin tưởng, an tâm, an toàn, người sử dụng dịch vụ cần lựa chọn những doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Bởi, khi đã hoạt động chuyên nghiệp thì khâu kiểm soát đầu vào đối với tài xế sẽ khắt khe và đảm bảo tính pháp lý giữa công ty với tài xế, giữa khách hàng với dịch vụ lái xe hộ.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, từ ngày 1/3 đến ngày 14/12/2023, tiếp tục thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn. Các tổ chuyên đề sẽ thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức hoạt động, công khai kết hợp với hóa trang khi kiểm soát nồng độ cồn gần khu vực nhà hàng, quán ăn, các điểm tổ chức sự kiện... Trong quá trình xử lý vi phạm, người vi phạm là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên thì ngoài việc xử lý vi phạm, cảnh sát giao thông sẽ thông báo về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng để xử lý theo quy định. |
Bình luận