Thách thức lớn với các nền kinh tế Đông Nam Á Giải tỏa áp lực lạm phát Ngăn chặn tình trạng găm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý
Kiểm soát giá để hoá giải áp lực lạm phát cuối năm
Mặc dù giá xăng dầu đã giảm mạnh nhưng nhiều mặt hàng nhập khẩu vẫn chịu sức ép do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Ảnh minh họa: XK

Thị trường biến động

Giá nguyên liệu đầu vào, chi phí nhân công liên tục tăng cao cũng khiến cho anh Phạm Đình Hải (SN 1987, chủ xưởng sản xuất ở làng nghề gỗ Vạn Điểm) lo lắng những tháng cuối năm 2022 tình hình sẽ còn gặp nhiều biến động.

Nếu không cân đối chi phí sản xuất, nhiều doanh nghiệp như anh Hải phải tự bù lỗ, thiếu vốn để dự trữ nguyên liệu. Tuy số lượng đơn hàng cuối năm có dấu hiệu khả quan, nhưng anh Hải cho rằng, doanh thu so với cùng kỳ năm 2021 không đáng kể, thậm chí lợi nhuận một vài tháng giữa năm gần như đang giảm mạnh.

Ông Hoàng Trung Sơn - Giám đốc Công ty TNHH giấy và bao bì Đồng Tiến - cho biết, giá nguyên liệu giấy tái chế đã tăng từ 150 USD/tấn lên trên 300USD/tấn khiến doanh nghiệp gặp áp lực cả đầu vào lẫn đầu ra. Doanh nghiệp Đồng Tiến đã phải chấp nhận lỗ kỹ thuật, không tính khấu hao để duy trì hoạt động sản xuất.

Phía Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh cũng lưu ý, để bù đắp chi phí sản xuất, các doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường, qua đó tăng sản lượng tiêu thụ.

Các doanh nghiệp cần từng bước thay đổi công nghệ, thay thế dây chuyền sản xuất cũ, năng suất thấp sang dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất cao, ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị để tối ưu hóa bộ máy vận hành toàn hệ thống. Việc thay đổi về công nghệ mới, quản trị hiện đại sẽ giúp các doanh nghiệp “khỏe hơn”, vững chãi vượt qua mọi khó khăn và biến động.

Giải pháp ổn định giá cả thị trường

Theo bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), áp lực lạm phát thậm chí có thể kéo dài đến nửa đầu năm 2023 khi giá nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới ở mức cao và phản ánh nhiều hơn vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm (không loại trừ áp lực lạm phát vòng hai do giá xăng dầu tăng cao).

VCBS dự báo lạm phát năm 2022 có khả năng vượt mục tiêu 4% của Quốc hội, tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp khi lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia khiến đồng tiền mất giá. Việc thay đổi chính sách ở nhiều nước sẽ làm thu hẹp thị trường, tác động đến các chuỗi cung ứng và tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận định, so với những tháng đầu năm 2022, thời điểm này sức ép lạm phát đã giảm đi khi giá xăng, dầu thế giới giảm. Điều này đã hạn chế áp lực tăng giá đối với tất cả các hàng hóa vì xăng, dầu là nguyên liệu đầu vào rất quan trọng cho nền sản xuất, cũng như lĩnh vực đường bộ.

Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát trong những tháng cuối năm 2022 vẫn còn. Bởi nền kinh tế của Việt Nam đã hội nhập rất sâu với thế giới. Hiện nay, lạm phát của tất cả các nước trên thế giới đều ở mức cao như Mỹ, Châu Âu, và khu vực Đông Nam Á. Do độ mở của nền kinh tế nước ta lớn nên cũng có nguy cơ “nhập khẩu” lạm phát khi nhiên vật liệu đầu vào vẫn bị phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài.

Trong những tháng cuối năm 2022, theo ông Trần Văn Lâm, những giải pháp cần phải tiếp tục được phát huy, linh hoạt vận dụng tùy từng điều kiện, thời điểm.

Ví dụ như tiếp tục sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu; trích lập quỹ đó khi giá, xăng dầu xuống để khi giá lên đột biến, có quỹ để bù đắp không để cho giá xăng, dầu biến động. Vì nếu cuối năm giá xăng, dầu xuống thì các công cụ thuế lại trở lại mức bình thường.

Theo Minh Hòa/laodong.vn

https://laodong.vn/kinh-doanh/kiem-soat-gia-de-hoa-giai-ap-luc-lam-phat-cuoi-nam-1089370.ldo