Kinh tế TP.HCM tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm 2022
Phục hồi kinh tế sau dịch
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, vượt qua những ảnh hưởng của đại dịch cùng với sự điều hành kịp thời của TP.HCM với nhiều giải pháp đồng bộ như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, khôi phục các đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng, xúc tiến thương mại, kết nối và liên kết vùng... các doanh nghiệp đã từng bước trở lại quỹ đạo sản xuất và đạt được kết quả tăng trưởng khả quan trong 6 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng ước tăng 3,05% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,9%); trong đó 04 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 7,05% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,2%), cao hơn 3,05 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp đã bắt nhịp sản xuất, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất nên kết quả sản xuất công nghiệp chung của TP.HCM có chiều hướng phát triển tốt.
Ngành bán lẻ của TP.HCM phục hồi mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022. |
Về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ban ngành tham mưu UBND TP.HCM phê duyệt 32 dự án đầu tư của 28 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố với tổng mức đầu tư là hơn 2.300 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay hơn 1.300 tỷ đồng; bình quân số vốn đầu tư một dự án là hơn 73 tỷ đồng, bình quân số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay mỗi dự án là hơn 41 tỷ đồng. Mức hỗ trợ lãi vay cho các dự án lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 100% trong thời gian tối đa 7 năm.
Đáng chú ý doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng năm 2022 ước đạt hơn 335.500 tỷ đồng, tăng 11,86% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,2%), chiếm tỷ trọng 60,31% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.
Theo số liệu của Sở Công thương các hệ thống phân phối trên địa bàn TP.HCM có 232 chợ, 3 chợ đầu mối, 237 siêu thị (106 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực phẩm và 131 siêu thị chuyên doanh), 46 trung tâm thương mại và 3.072 cửa hàng tiện lợi; các hệ thống phân phối vẫn duy trì, đảm bảo khả năng cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn.
Cùng với đó các chương trình hợp tác thương mại, bình ổn thị trường cũng được triển khai hiệu quả, thiết thực, tạo điều kiện các doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối, doanh nghiệp sản xuất, logistics... ngày càng lớn mạnh, khẳng định được vai trò dẫn dắt thị trường, chủ động, duy trì chuỗi cung ứng, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định cho người dân, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá trong giai đoạn vừa qua; hoạt động hỗ trợ các tỉnh, thành kết nối, giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn TP.HCM.
Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM tiếp tục phát triển nhanh chóng, tăng trưởng mạnh. Các kênh phân phối thương mại điện tử được triển khai đa dạng các mô hình, ứng dụng, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Ngoài những thành quả đạt được, Sở Công Thương nhận định TP.HCM vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi xung đột địa chính trị trên thế giới tác động đến hoạt động cung ứng hàng hoá. Cụ thể, trong thời gian gần đây giá xăng dầu biến động theo chiều hướng tăng khiến chi phí sản xuất, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Sở Công thương các chi phí đầu vào tăng là một trong những khó khăn lớn đặt ra cho nền kinh tế nói chung và các ngành sản xuất công nghiệp nói riêng, song nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt để duy trì sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng thông suốt. Đồng thời, các doanh nghiệp thực hiện đảm bảo chuỗi hoạt động sản xuất ngay từ đầu năm trong trạng thái bình thường mới.
Sở Công thương đã triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2022, nhằm đảm bảo giá của những mặt hàng thiết yếu không bị biến động quá mạnh. |
Để đảm bảo bình ổn thị trường, đặc biệt với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong tình hình giá nguyên vật liệu biến động phức tạp, Sở Công thương đã triển khai chương trình bình ổn thị trường năm 2022 với 69 doanh nghiệp tham gia. Chương trình chia rõ 3 nhóm đối tượng tham gia thông qua 3 hình thức: cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng. Việc phân chia để phân biệt rõ từng đối tượng; từ đó, có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, sát thực tế.
Trong đó, doanh nghiệp cung ứng tập trung đảm bảo về hoạt động sản xuất, ứng dụng công nghệ, đầu tư nhà xưởng, phát triển vùng nguyên liệu,... ; doanh nghiệp phân phối tập trung đảm bảo về mạng lưới điểm bán và tổ chức điểm bán hàng bình ổn thị trường; đầu tư phát triển hệ thống kho bãi, logistics,...
Ngoài ra, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng, Sở Công Thương hiện đã xây dựng thực hiện kế hoạch Chương trình Phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng TP.HCM năm 2022.
Theo đó, thành phố mở rộng quảng bá thông tin sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thành những thương hiệu mạnh của thành phố mang tầm khu vực làm động lực cho toàn ngành công nghiệp phát triển. Cụ thể, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại (tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo…), quảng bá thông tin về nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp tiềm năng, tổ chức đào tạo về lập dự án đầu tư cho doanh nghiệp...
"Dù còn nhiều khó khăn, thách thức về quá trình phục hồi sản xuất công nghiệp sau dịch Covid-19 song nhìn chung tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn đã ổn định, các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất chuyển biến tích cực, đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu", ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết.
Bình luận