Kinh tế Việt Nam nỗ lực ổn định trong bất định Gỡ khó cho sản xuất cuối năm “Trái ngọt” từ EVFTA
Kinh tế Việt Nam là điểm sáng của khu vực
Nhiều ngành nghề đạt thành tựu kỷ lục theo số liệu thống kê 11 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Cường Ngô

Nhiều ngành "trụ đỡ" đã chạm đích

Năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát đã tạo đà cho doanh nghiệp sản xuất ổn định trở lại, thời điểm này, Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm đang "chạy nước rút" thực hiện các đơn hàng cuối năm giao cho đối tác.

Trao đổi với Lao Động, ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, thời điểm này, toàn bộ phân xưởng, máy móc đều phải hoạt động 24/24 giờ và công nhân cũng phải chia 3 ca để cả ngày lẫn đêm vẫn điều khiển máy, nhằm kịp sản xuất những đơn hàng đang vào giai đoạn nước rút. Mỗi ngày, hơn 2.000 công nhân tại các phân xưởng làm ra 3.000 sản phẩm xuất khẩu.

Việc doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, có nhiều đơn hàng xuất khẩu đã góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong năm 2022. Theo số liệu của Bộ Công Thương, nhờ các tháng đầu và giữa năm xuất khẩu cao nên tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 342,2 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2021.

Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 673,8 tỉ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong 11 tháng, ngành nông nghiệp có 8 sản phẩm (nhóm sản phẩm) đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỉ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.

Nhiều lĩnh vực được xem là thế mạnh của Việt Nam cũng tăng trưởng tốt trong 3 quý năm 2022 và đến thời điểm này có thể xem là về đích, trong đó phải kể đến đầu tiên là ngành thủy sản.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã phục hồi hoàn toàn sau dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu tới cuối tháng 11 đã cán mốc 10 tỉ USD - mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới; và hết năm 2022 dự báo cán mốc 11 tỉ USD.

Ngành gạo đặt mục tiêu xuất khẩu 6,3 triệu tấn, trị giá 3,3 tỉ USD, nhưng đến hết tháng 10 đã đạt 6,1 triệu tấn, thu về gần 3 tỉ USD. Đối với lĩnh vực sản xuất, mục tiêu xuất khẩu 25 tỉ USD của giày dép - túi xách cũng đã rất gần. Trong 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu giày dép - túi xách đạt trên 23 tỉ USD.

Riêng ngành xuất khẩu gỗ, cả năm 2022 gặp rất nhiều khó khăn nhưng đến hết tháng 10, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 13,5 tỉ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tỉ lệ thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở các địa phương trong 11 tháng đầu năm. Biểu đồ: Đức Mạnh
Tỉ lệ thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở các địa phương trong 11 tháng đầu năm. Biểu đồ: Đức Mạnh

Thành công nhưng không chủ quan

Trao đổi với Lao Động về thành tựu kinh tế Việt Nam trong năm nay, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho hay: "Khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại từ cuối năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ phục hồi mạnh mẽ, mà còn chớp thời cơ, biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh, bền vững. Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng mọi cơ hội để mở rộng, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, chiếm lĩnh thị trường, tạo chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế.

Trong đó, nhiều doanh nhân Việt đã tiên phong, vươn ra thị trường thế giới với những chiến lược và tư duy mang tính dài hạn. Đây là sự phát triển vượt bậc của doanh nhân Việt Nam mà cả xã hội ghi nhận, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam".

Ở góc độ khác, TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, mặc dù kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng không được chủ quan. Bởi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, đối diện với áp lực điều hành giá, lãi suất, tỉ giá trước xu hướng lạm phát toàn cầu tăng cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương Mỹ và Châu Âu (hai thị trường xuất khẩu chính chiếm 41% thị phần xuất khẩu của Việt Nam).

Sự ổn định vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn trong nước cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trước xu hướng kinh tế thế giới đang ở thời điểm tăng trưởng chậm lại. Thậm chí một số nền kinh tế lớn rơi vào suy thoái cục bộ ngắn hạn. Bên cạnh đó là những tác động của biến đổi khí hậu, những căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, thực tiễn cũng đòi hỏi cần có nhiều đột phá thực sự và đồng bộ, thực chất cả về nhận thức và thể chế trong việc tháo gỡ điểm nghẽn về ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu (nổi bật là xăng, dầu) cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023.

Đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát và lành mạnh hóa các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và thị trường tín dụng, thị trường lao động, cũng như trong tái cơ cấu kinh tế và định hướng lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh trong năm 2022 sau giai đoạn tăng nóng, trước đó là sự cảnh báo gắn với các thách thức về triển vọng kinh tế thế giới và nội lực kinh tế trong nước, về những rủi ro và bất cập trong quản lý thị trường, vì sự phát triển ổn định, bền vững và minh bạch của thị trường…

Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh triển khai các cấu phần trong chương trình phục hồi, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công.

Theo CƯỜNG NGÔ/laodong.vn

https://laodong.vn/xa-hoi/kinh-te-viet-nam-la-diem-sang-cua-khu-vuc-1123418.ldo