Hướng tới nông nghiệp bền vững từ tiếp cận “sức khỏe cây trồng” Xây dựng thương hiệu cho “vương quốc” trái cây Năm 2025 sẽ có trên 20% sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đối với phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng các mô hình phát triển kinh tế ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Vận động hội viên tham gia các mô hình sản xuất theo nhóm, hộ, liên kết chuỗi, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Vận động nông dân tập trung chăm sóc cây trồng vật nuôi, sản xuất vụ xuân; tiếp tục sử dụng các biện pháp phòng chống bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tái đàn lợn theo các yêu cầu, quy định của ngành thú y.

Theo ông Bùi Văn Bình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì, để nâng cao kỹ năng làm kinh tế nông nghiệp cho bà con, các cấp Hội phối hợp với Phòng Kinh tế huyện, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tuyên truyền chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho các cùng sản xuất tập trung; phát triển các làng nghề truyền thống...

Lan toả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Cây ăn quả tại trang trại tổng hợp nhà chị Nguyễn Thị Kim Oanh.

“Đến nay các cấp hội đã mở 28 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa, rau vụ xuân hè 2021, kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất rau an toàn, trồng cây có múi, trồng hoa cây cảnh, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản với 3.590 hội viên nông dân tham gia. Hội cũng phối hợp với Trạm Khuyến nông xây dựng mô hinh nuôi cá chép V1 theo quy trình VietGap tại xã Đông Mỹ, với diện tích 2ha, 2 hộ tham gia”, ông Bình cho biết.

Cùng với đó, Hội cũng tiếp tục triển khai công tác dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ việc làm cho nông dân; củng cố và duy trì 23 mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả; tuyên truyền vận động hội viên xây dựng mới 16 mô hình kinh tế tập thể, 15 mô hình Nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Thành lập mới 5 chi hội nghề nghiệp về trồng cây ăn quả, chăn nuôi, may công nghiệp, sản xuất miến dong...

Đến thôn 1 xã Đông Mỹ hỏi gia đình ông Nguyễn Văn Ngâm, từ người già đến người trẻ ai cũng biết bởi gia đình ông là tấm gương sáng về xây dựng gia đình hạnh phúc và làm kinh tế giỏi với mô hình trang trại tổng hợp.

Sớm nhận thấy được những tiềm năng trên mảnh đất quê mình, năm 2002, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn” cùng với chủ trương chuyển đổi mô hình từ 2 vụ lúa bấp bênh sang nuôi trồng thủy sản, gia đình ông Ngâm sẵn diện tích canh tác được hơn 5 sào ruộng và thuê thêm một số thửa ruộng của những hộ khác để đào ao thả cá và chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm với diện tích 5ha.

Sau nhiều năm vất vả lăn lộn với trang trại đổ nhiều mồ hôi công sức mặt nước ao ông thả cá, trên bờ ao ông trồng xen cây ăn quả lâu năm. Thật khó hình dung trang trại trù phú hiện nay của ông Ngâm trước đây từng là cánh đồng lúa mưa thì ngập úng đã trở thành một trang trại nuôi trồng thủy sản đem lại thu nhập kinh tế cao.

Trang trại chăn nuôi trông thủy sản của gia đình ông Ngâm là một trong những mô hình phát triển kinh tế điển hình của hội viên nông dân xã Đông Mỹ. Từ những kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi ao cá, gia súc, gia cầm của mình, ông Ngâm đã giúp đỡ rất nhiều hội viên khác về vốn và kỹ thuật chăn nuôi.

Vùng đất bãi nơi sông Hồng chảy qua cho đất đai màu mỡ, chị Nguyễn Thị Kim Oanh xã Vạn Phúc nhận thấy mảnh đất này rất thích hợp cho phát triển mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả, trồng rau sạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản. Chị đã quyết tâm làm giàu từ lợi thế mà thiên nhiên trao tặng.

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khai thác và sử dụng có hiệu quả đất đai, nguồn vốn, sức lao động, cùng với sự đam mê và ý trí làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, chị Oanh đã thành lập mô hình trang trại tổng hợp để phát triển kinh tế cho thu nhập cao hàng năm.

Năm 2018 gia đình chị Oanh áp dụng mô hình nuôi giun chùn quế để lấy nguồn thức ăn cho gia súc gia cầm và lấy nguồn phân bón cho trồng rau sạch hữu cơ. Năm 2020 qua nắm bắt về nhu cầu của thị trường cũng như điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng thích nghi với trồng cây ăn quả, chị trồng rau sạch kết hợp chăn nuôi.

Với kiến thức được học kết hợp với sự tìm hiểu và học tập kinh nghiệm gia đình chị Oanh mở rộng diện tích 0,6 ha trồng rau sạch hữu cơ kết hợp chăn nuôi, thuê thêm 15 lao động. Mô hình đã mang lại nhuận 350 triệu đồng/năm. Từ đó, chị trả lương cho người lao động từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Hàng năm lợi nhuận thu được từ trồng cây ăn quả, trồng rau sạch kết hợp với chăn nuôi từ 250 - 350 triệu đồng. Năm 2021 chị thực hiện mô hình nuôi cua biển sinh học khép kín tại trang trại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thị trường.

Lan toả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Nông nghiệp hữu cơ cho ra sản phẩm rau sạch cung cấp cho người dân

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì Bùi Văn Bình, 6 tháng đầu năm 2022, thực hiện sự chỉ đạo của Hội Nông dân thành phố Hà Nội, sự lãnh đạo của Huyện uỷ Thanh Trì, sự phối hợp của chính quyền và các ngành đoàn thể, các cấp Hội nông dân toàn huyện đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, nhiệm vụ chính trị của địa phương, chủ động xây dựng chương trình kế hoạch công tác và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều chỉ tiêu thi đua đã đạt từ 50-70%, riêng chỉ tiêu xây dựng chi hội nghề nghiệp đạt 100%, Các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân được đẩy mạnh.

Đặc biệt hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn phát triển các mô hình kinh tế tập thể; các phong trào thi đua, các cuộc vận động được tích cực triển khai gắn với triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành phố, các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của huyện; cán bộ hội viên nông dân tích cực tham gia thực hiện và duy trì các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trong phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Hội Nông dân huyện Thanh Trì tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức các hoạt động tư vấn, trợ giúp nông dân xây dựng mô hình, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa; phối hợp xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; tiếp tục tín chấp các ngân hàng và Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên vay vốn phát triển sản xuất.

Bảo Thoa