Việt Nam - Thái Lan: Tăng cường hợp tác trên lĩnh vực kinh tế số, thương mại điện tử Hàng rào thương mại: Cần chấp nhận luật chơi để lớn mạnh Linh hoạt, chủ động đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan vừa cảnh báo hiện tượng lừa đảo qua mạng liên quan đến mặt hàng xăng dầu đang có nhu cầu tiêu dùng lớn. Hà Lan nổi tiếng với hệ thống pháp luật chặt chẽ, các doanh nghiệp có uy tín với các đối tác nước ngoài. Lợi dụng điều này, đối tượng đã lập các website giả mạo hoặc giả danh để lừa đảo. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu vì quá tin tưởng vào pháp luật của nước nhập khẩu mà chủ quan không xác minh kỹ đối tác hoặc vội vàng sợ mất cơ hội, mất hợp đồng có nhiều điều khoản hấp dẫn.

Chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết: ở các thị trường lớn đều có rủi ro nhưng với ngành gia vị, thị trường Trung Đông, trong đó có Dubai - điểm kết nối giao dịch các nước trong khu vực Trung Đông, Trung Á, một số nước châu Âu có tính chất rủi ro lớn. Năm 2023, ngoài cung - cầu quyết định dao động thị trường còn có yếu tố khác như xung đột chiến tranh, địa chính trị ảnh hưởng rất lớn. Một số đối tác gặp khó khăn về dòng tiền thanh toán khiến cho một số giao dịch có dấu hiệu lừa đảo.

Theo bà Hoàng Thị Liên, khi xảy ra rủi ro, doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn nhất. Các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã hỗ trợ doanh nghiệp xử lý rủi ro và có nhiều khuyến cáo doanh nghiệp tránh sai sót. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong ngày một ngày hai không thể thực hiện hết các công việc như khuyến cáo. Vì vậy, cần có định hướng, thông tin sớm cho doanh nghiệp và vai trò hỗ trợ gián tiếp của các cơ quan nhà nước rất quan trọng. Những thông tin cảnh báo, khuyến cáo, tư vấn pháp lý của các thương vụ rất hữu ích với doanh nghiệp và cần cập nhật, phổ biến một cách rộng rãi trên các cổng thông tin.

Lừa đảo trong thương mại quốc tế: Cẩn thận nguy cơ
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan vừa có cảnh báo hiện tượng lừa đảo qua mạng liên quan đến mặt hàng xăng dầu. (Ảnh minh họa)

Theo kinh nghiệm được bà Hoàng Thị Liên chia sẻ, khi làm việc với đối tác cùng ngành tại các nước, Hiệp hội nhận thấy các doanh nghiệp ở các nước kết nối chặt chẽ với thương vụ, đại sứ quán của họ ở các thị trường xuất khẩu để đưa ra danh mục gợi ý các đối tác có dấu hiệu lừa đảo. Trên cơ sở “danh sách đen”, các doanh nghiệp thận trọng hơn trong hợp tác kết nối.

Bà Nguyễn Cẩm Trang - Cục phó Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, đề cập đến rủi ro trong thương mại quốc tế, nhiều doanh nghiệp thường nghĩ đến việc mất hàng, mất tiền đã xảy ra. Nhưng, thực tế rủi ro doanh nghiệp gặp phải đối mặt nằm ở phạm vi rộng hơn trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Đầu tiên là những rủi ro từ biến động toàn cầu. Hiện nay, thế giới biến động nhanh, phức tạp, những xung đột thương mại và quân sự đều ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, cung cầu hàng hoá trên thị trường, qua đó ảnh hưởng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Hơn nữa, mỗi quốc gia theo đuổi mục tiêu chính sách tiền tệ khác nhau dẫn đến rủi ro thị trường tài chính, ảnh hưởng đến tỷ giá và chắc chắn doanh nghiệp xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Thứ hai, rủi ro trong thanh toán và vận chuyển, điển hình là vụ việc xuất khẩu 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italia hay nông sản sang Trung Đông đã từng xảy ra. Trong thương mại quốc tế có nhiều phương thức thanh toán khác nhau, trong đó có những kẻ hở mà doanh nghiệp khó lường trước.

Thứ ba, liên quan đến giao dịch thương mại biên giới. Đến nay vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp giao dịch không có hợp đồng ngoại thương hay chính ngạch. Đây là nguyên nhân có thể dẫn đến những tranh chấp về giá cả khi không ký kết rõ ràng về chất lượng, giá cả, điều kiện giao hàng… Những vấn đề này không được giải quyết, rủi ro phát sinh, hàng chưa giao được cho đối tác khiến doanh nghiệp mất thời gian, chi phí vận chuyển, chi phí lưu công lưu bãi tại cửa khẩu.

Không chỉ tại Hà Lan, trước đó, theo cảnh báo của nhiều thương vụ, tình trạng lừa đảo ngày càng phổ biến ở các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, Canada, châu Âu. Khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, mở rộng kết nối kinh doanh với nhiều đối tác thì nguy cơ tranh chấp thương mại, lừa đảo cũng ngày càng phức tạp, tinh vi hơn.

Ngoài nguyên nhân trên cũng có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp Việt Nam. Suy thoái kinh tế thời gian qua dẫn đến tổng cầu giảm, doanh nghiệp cần đơn hàng nên khi nhận được yêu cầu hợp tác, nhất là tại các thị trường lớn, thường có tâm lý chủ quan, không xem xét kỹ hợp đồng cũng như xác minh đối tác. Bên cạnh đó là tâm lý nóng vội trong đàm phán nên gặp các điều khoản không có lợi trong hợp đồng ngoại thương liên quan đến phương thức thanh toán, tỷ lệ % đặt cọc hoặc điều kiện giao hàng.

Đại diện nhiều hiệp hội ngành hàng trong năm 2023 cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ đối mặt với lừa đảo trong thanh toán khi mở rộng thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội từ các thị trường tiềm năng, nhu cầu nhập khẩu lớn nhưng còn “lạ nước lạ cái” chưa có kinh nghiệm trong đàm phán, thanh toán. Trong đó, ngoài những thị trường lớn như đã đề cập ở trên, thị trường Trung Đông nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít nguy cơ.

Bảo Thoa