Nâng cao chất lượng, bảo vệ quyền lợi người lao động Việt xuất ngoại Người đi lao động ở Hàn Quốc được vay đến 100 triệu đồng để ký quỹ Xuất khẩu lao động tăng mạnh

Mới đây, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 8/5/2012 của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”.

Theo báo cáo tổng kết sau 10 năm thực hiện Chỉ thị, hệ thống luật pháp, chính sách về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được sửa đổi, bổ sung, cơ bản phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế và chủ trương hội nhập quốc tế của nước ta.

Công tác đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục pháp luật, phong tục, tập quán của nước tiếp nhận, định hướng cho người lao động và chuyên gia ngày càng được chú trọng; chất lượng lao động và chuyên gia của Việt Nam được nâng cao. Công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài cơ bản được triển khai hiệu quả.

Quy mô tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh qua các năm, đến năm 2022 có 451 tổ chức, doanh nghiệp, cao hơn hơn 2 lần so với thời điểm ban hành Chỉ thị.

Mỗi năm, người lao động ở nước ngoài gửi về 10 tỷ USD
Quang cảnh hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW.

Đặc biệt, công tác phát triển thị trường lao động ở các nước phát triển được coi trọng, bên cạnh duy trì các thị trường hiện có, thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã mở rộng được lên tới 25 thị trường.

Trong vòng 10 năm, cả nước đã đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị, tạo việc làm cho khoảng từ 7-10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.

Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề. Bình quân mỗi năm người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD, tăng 5 lần so với giai đoạn trước khi ban hành chỉ thị, không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn có tích lũy, đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, đóng góp vào nguồn ngoại tệ của đất nước, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong làm việc của người lao động, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài được nâng cao, bước đầu hình thành đội ngũ chuyên gia, lao động chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi trở về lao động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn chậm; chưa xây dựng được quy hoạch, chiến lược nên hiệu quả công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài còn thấp. Đặc biệt, tỉ lệ lao động có tay nghề còn thấp, số lượng lao động chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều…

Để bảo đảm chất lượng Đề án tổng kết Chỉ thị 16 cũng như thời gian trình Ban Bí thư theo đúng kế hoạch, tại hội nghị, các đại biểu đã kiến nghị tăng cường quản lý, bảo hộ công dân di cư tự do sang nước láng giềng làm ăn buôn bán; giảm thiểu lao động đi làm việc ở nước ngoài không theo hợp đồng; chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới…