Một năm vượt khó của ngành tài chính trong công tác quản lý thị trường
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng Hà Nội: Sẽ xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh xăng, dầu tự phát Cần cơ chế quản lý thị trường tiền mã hóa tại Việt Nam |
Báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ Tài chính cho biết, năm 2022, đứng trước những khó khăn, thách thức, Bộ đã tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát; củng cố thị trường tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước,... đạt được nhiều kết quả và mục tiêu quan trọng.
Về tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, điều hành giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước kiểm soát giá (xăng dầu, điện, dịch vụ giáo dục, y tế...); đẩy mạnh kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo đời sống người dân, đảm bảo điều kiện sản xuất đầu vào cho doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. (Ảnh minh họa: BT) |
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, để giảm áp lực tăng giá bán trong nước, Bộ Tài chính đã trình cấp thẩm quyền điều chỉnh giảm về mức sàn đối với thuế bảo vệ môi trường các mặt hàng xăng, dầu, giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ bình ổn giá, điều chỉnh chi phí hợp lý đối với các kinh doanh đầu mối; qua đó quản lý giá bán xăng dầu trong nước phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân.
Chỉ số CPI bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra năm 2022 (không quá 4%).
Về thị trường chứng khoán, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường, Bộ Tài chính tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoạt động phát hành chứng khoán và công ty đại chúng; kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường. Tiếp tục nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech); chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (EKYC).
Mặc dù nền kinh tế phục hồi tích cực, song chịu ảnh hưởng tiêu cực của một số thị trường chứng khoán lớn trên thế giới trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước lớn thắt chặt chính sách tiền tệ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 02 lần tăng lãi suất điều hành; một số vụ việc thao túng giá chứng khoán, tin đồn thất thiệt,... đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư. Tính đến ngày 15/12/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.055,32 điểm, giảm 29,6% so với cuối năm 2021; quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt khoảng 64,2%GDP, giảm 29,9% so với cuối năm 2021.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trước sai phạm của một số doanh nghiệp khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Đồng thời, Bộ cũng báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát hành, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư. Tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đa dạng trên các kênh truyền thông, thông cáo báo chí khuyến nghị đối với các nhà đầu tư, nhằm ổn định thị trường, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát để hoàn thiện về thể chế, giúp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, trong khi vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển ổn định, an toàn cho thị trường trong trung và dài hạn.
Đối với thị trường bảo hiểm Bộ Tài chính tiếp tục duy trì xu hướng phát triển tích cực: tổng doanh thu phí bảo hiểm cả năm ước tăng 15,1% so với cùng kỳ; tổng tài sản tăng 14,5%; đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,6%.
Nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường, trong năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2023; dự thảo nghị định về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; quyết định về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; ban hành các thông tư hướng dẫn theo thẩm quyền.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”. Thực hiện quy định của Nghị định số 148/2021/NĐ-CP, từ ngày 01/4/2022, các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đã được nộp trực tiếp vào NSNN. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã giải thể Quỹ hỗ trợ, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên, nhưng do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác cổ phần hóa, thoái vốn trong năm vẫn chậm. Tính đến ngày 15/12/2022, các doanh nghiệp thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn với giá trị sổ sách là khoảng 593 tỷ đồng, thu về 3,6 nghìn tỷ đồng (trong khi dự toán khoản thu này nộp vào NSNN Quốc hội quyết định năm 2022 là 30 nghìn tỷ đồng); ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp cổ phần hóa.
Bảo Thoa
Bình luận