Nâng cao hoạt động hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ
Đánh giá đúng vai trò của kinh tế tập thể Nâng cao năng lực và hiệu quả của kinh tế tập thể Tăng trưởng thủy sản và áp lực với môi trường |
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Phát huy vai trò của các cấp Hội phụ nữ trong xây dựng mô hình Hợp tác xã/Tổ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội”, bà Thạch Thị Hoa - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Gia Lâm cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 1 HTX, 9 THT, 2 TLK do Hội Phụ nữ hỗ trợ thành lập, do phụ nữ quản lý, với tổng số thành viên tham gia các mô hình là 330 thành viên. Trong đó năm 2022, Hội đã hỗ trợ nâng cấp 1 THT thành HTX sản xuất, chế biến rau an toàn Tùng Anh tại xã Đặng Xá.
Việc tham gia các mô hình TLK, THT và HTX đã giúp các thành viên có thu nhập bình quân ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/tháng; sản phẩm nông sản an toàn của các mô hình kinh tế tập thể này đều đã có thương hiệu, uy tín trên thị trường như rau an toàn Văn Đức, rau an toàn Đặng Xá, cải xanh, măng tây Yên Viên, các nông sản an toàn hiện đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn trên địa bàn cả nước như chuỗi siêu thị Winmart; Big C Long Biên; Aeon Long Biên, Aeon Hà Đông; Metro Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân...
Mô hình kinh tế do nữ làm chủ ở huyện Gia Lâm (Nhà vườn Thúy Mộc) |
Ngoài ra, Hội LHPN huyện cũng tiếp tục quan tâm hỗ trợ vay vốn, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tập huấn cung cấp kiến thức, thông tin về thị trường, lập đề án, dự án sản xuất kinh doanh, biểu dương các sản phẩm sáng tạo của phụ nữ khởi nghiệp trên cách lĩnh vực như: Sản xuất rau thủy canh, thanh long Nữ Hoàng, dưa Bạch Ngọc trồng theo công nghệ Dfarm, tinh dầu tràm Bà Bé, nấm Đông trùng hạ thảo Thanh Tùng,... Đồng thời, xây dựng một số sản phẩm truyền thông để hỗ trợ, giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP trên địa bàn của huyện.
Những năm qua, các cấp Hội phụ nữ huyện Gia Lâm đã đứng ra kết nối, phối hợp các doanh nghiệp kinh doanh nông sản an toàn trong và ngoài huyện trong việc tiêu thụ sản phẩm của các tổ liên kết, tổ hợp tác do tổ chức Hội hỗ trợ thành lập, chính vì vậy mà trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ nhiều loại nông sản gặp nhiều khó khăn thì các mặt hàng do thành viên các tổ hợp tác, tổ liên kết do nữ làm chủ trên địa bàn huyện vẫn được tiêu thụ với sản lượng và giá thành ổn định.
Song song với đó, các cấp Hội phụ nữ của huyện cũng tiếp tục quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền để chị em nhận thức đúng và đầy đủ hơn về kinh tế tập thể và giá trị to lớn của sự hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa theo chuỗi; phối hợp với Phòng Kinh tế huyện mời các chuyên gia về kinh tế tham gia trao đổi, giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội, thành viên các tổ liên kết, tổ hợp tác; kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện và thành phố tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tham gia chuỗi giá trị do phụ nữ làm chủ;
Hỗ trợ vốn và tổ chức các hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, truyền thông nhóm, thăm hộ gia đình, tham quan mô hình… để định hướng phương án sản xuất và cùng chị em bàn bạc các giải pháp phát triển kinh tế tập thể tại những mảnh vườn, thửa ruộng, ao nuôi, chuồng trại của các chị. Qua đó, giúp chuyển đổi nhận thức của chị em về vấn đề kinh tế hợp tác và vận động thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với thị trường.
Vùng rau an toàn Văn Đức ở huyện Gia Lâm. |
Từ các hoạt động thực tiễn và hiệu quả, bà Thạch Thị Hoa cũng đề xuất một số các giải pháp trọng tâm như: tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ và nhân dân về lợi ích, sự cần thiết tham gia kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất, kinh doanh mới đủ khả năng cho sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh, thích ứng với kinh tế thị trường.
Các cấp Hội phụ nữ cần chủ động đề xuất, liên kết của các ngành, các hiệp hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, trước hết là các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện trong quá trình hỗ trợ các TLK, THT, hỗ trợ hội viên phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, quảng bá hình ảnh, thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm. Thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi hội viên phụ nữ tiếp cận vốn, khoa học kỹ thuật.
"Hiện nay, Hội LHPN huyện Gia Lâm cũng đang rất tích cực phối hợp với LĐLĐ huyện tham mưu Ủy ban nhân dân huyện thành lập Hiệp hội doanh nhân Gia Lâm trong đó cũng đã dự kiến có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ, đó cũng sẽ là một thuận lợi rất lớn để chúng tôi tiếp tục làm tốt việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ những sản phẩm của các tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã do nữ làm chủ và những phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên địa bàn", bà Thạch Thị Hoa cho biết.
Cũng theo bà Thạch Thị Hoa, cần đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giao lưu kết nối, quảng bá, trưng bày giới thiệu sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và mở rộng hoạt động hình thành chuỗi kết nối trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp do nữ làm chủ. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 69 ngày 09/8/2022 về thực hiện Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025”.
Tuyên truyền kiến thức, kỹ năng quản lý mô hình kinh tế tập thể phụ nữ, phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), hỗ trợ nâng cao năng lực cho phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh, tích cực tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác; tập huấn nâng cao năng lực cho nữ chủ hộ kinh doanh, nữ chủ doanh nghiệp về xây dựng kỹ năng bán hàng, thương mại điện tử.
Với vai trò, trách nhiệm của mình các cấp Hội phụ nữ Gia Lâm đã có nhiều cách làm, mô hình sáng tạo để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ hoạt động của các THT, HTX do Phụ nữ làm chủ trên địa bàn huyện và nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao từ các cấp, các ngành, cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn. Đây cũng là động lực để các cấp Hội phụ nữ của huyện nỗ lực, phấn đấu làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm, trở thành tổ chức tiên phong hành động vì sự tiến bộ và phát triển toàn diện của phụ nữ trên địa bàn.
Bảo Thoa
Bình luận