Tránh đổ vỡ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Nghị định 65 giúp khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp Tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường trái phiếu

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Tại buổi đối thoại “Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65”, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam nhấn mạnh những điểm quan trọng trong Nghị định sửa đổi. Đối với các chủ thể tham gia thị trường, có những cơ chế chính sách để nâng cao tính chuyên nghiệp, tính minh bạch và đặc biệt là nâng cao tính tự chịu trách nhiệm khi tham gia thị trường. Các chủ thể bao gồm tổ chức phát hành, nhà đầu tư, các tổ chức trung gian, dịch vụ và cả các cơ quan quản lý nhà nước. Các quy định sửa đổi Nghị định 65 đã khắc phục được rất nhiều những vấn đề trước đây còn chưa rõ trong Nghị định 153.

Nâng cao trách nhiệm các thành phần tham gia thị trường trái phiếu
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh đặc biệt nhấn mạnh, Nghị định đã quy định về trách nhiệm của bản thân các nhà đầu tư khi tham gia thị trường trái phiếu. Bởi, “khi tham gia thị trường, nhà đầu tư phải có trách nhiệm tìm hiểu thông tin”. Cùng với đó là trách nhiệm của tổ chức phát hành và tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành,… phải tham gia cung cấp, minh bạch hóa thông tin. Trong đó, không được phép tạo ra một cơ chế để bị lợi dụng thông tin không minh bạch, tạo ra sự bất cân xứng về thông tin dẫn đến việc hiểu lầm, tạo ra các nhận định, đánh giá sai của các bên tham gia, dẫn đến thiệt hại của các thành phần tham gia thị trường.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích. Theo đó, mục đích phát hành trái phiếu là để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.

Nghị định cũng bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu để tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành cũng như tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành.

Theo đó, đại diện người sở hữu trái phiếu thực hiện chế độ báo cáo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán định kỳ hàng quý, hàng năm và báo cáo trong trường hợp phát hiện tổ chức phát hành có hành vi vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sở hữu trái phiếu.

Đại diện người sở hữu trái phiếu có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật chứng khoán và quy định tại Điều 14 Nghị định này khi cung cấp dịch vụ đại diện người sở hữu trái phiếu. Đồng thời, chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định.

Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật khi cung cấp dịch vụ tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2022 do Bộ Tài chính vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, khẳng định Bộ Tài chính cũng như Chính phủ không siết chặt việc phát hành trái phiếu riêng lẻ trong Nghị định 65 mà chỉ làm rõ và minh bạch các yêu cầu trong quá trình phát hành; đồng thời, cụ thể hóa trách nhiệm của các chủ thể. Doanh nghiệp làm tốt, làm đúng mới dám minh bạch và dám phát hành. Còn các trường hợp cố tình làm sai sẽ lộ ngay và không được phát hành ra thị trường nếu không đáp ứng yêu cầu minh bạch.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP cũng sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin nhằm khắc phục những bất cập thời gian vừa qua, đồng thời tăng cường tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Cụ thể, thời hạn công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu được quy định rút từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. Nghị định quy định: Chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả của đợt chào bán cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Trường hợp doanh nghiệp chào bán không thành công hoặc hủy đợt chào bán trái phiếu, chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc phân phối trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán.

Đối với nhà đầu tư, Nghị định cũng bổ sung cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Trong đó, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán.

Bảo Thoa