Nền tảng số Make in Vietnam, động lực thúc đẩy chuyển đổi số
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám phát huy hiệu quả trong chuyển đổi số Đồng bộ các nhóm giải pháp về chuyển đổi số Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm của toàn xã hội |
Năm 2019, khi lần đầu tiên Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam được tổ chức, chương trình hành động và khẩu hiệu “Make in Vietnam” được ra đời.
Kể từ khi ra đời, phong trào Make in Vietnam không chỉ mang trong mình vai trò giải quyết những vấn đề của Việt Nam bằng công nghệ số do chính người Việt làm chủ mà còn có sứ mệnh lớn hơn là chinh phục thị trường quốc tế. Đây cũng chính là hướng đi bền vững, không chỉ giúp các doanh nghiệp công nghệ số không ngừng lớn mạnh mà còn khiến Việt Nam trở thành quốc gia phát triển nhanh hơn nhờ tiếp thu được kinh nghiệm từ quốc tế.
Người dân trải nghiệm sản phẩm công nghệ số tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 năm 2022. (Ảnh: N.Hoa) |
Trong những năm qua, ngày càng xuất hiện nhiều các sản phẩm, dịch vụ công nghệ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí “nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”.
Theo thống kê, đến nay có 1.400 doanh nghiệp Việt Nam đã có sản phẩm Make in Viet Nam đi ra toàn cầu. Cách đây 10 - 15 năm, đa phần doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chỉ thực hiện một số chi tiết, công đoạn theo đặt hàng thì theo thống kê đến nay đã có 50 - 60% doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thực hiện toàn bộ sản phẩm, xây dựng các phần mềm theo đặt hàng, giải quyết trọn vẹn các bài toán của các khách hàng nước ngoài.
Các sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy hơn nữa cho sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam. Nhiều sản phẩm đạt giải đã đóng góp quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số của các cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp, người dân.
Do đó đã được ứng dụng rộng rãi khắp nơi, có những sản phẩm đã góp phần thay đổi lớn cuộc sống ở nhiều bản làng xa xôi, khó khăn. Người dân có thể quảng bá, bán sản phẩm tới mọi nơi, với chi phí phù hợp; được tiếp cận với những dịch vụ y tế chất lượng cao; học tập từ xa, làm việc từ xa, tiếp cận kiến thức, thông tin phục vụ đời sống...
Dẫn đầu xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT. Các doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực đã đầu tư trực tiếp để phát triển mạnh mẽ tại thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể.
Theo ông Lê Minh Hà - Giám đốc Giải pháp quốc tế (Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel), ngay từ đầu, Viettel đã có chiến lược đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ Make in Viet Nam nhằm tăng sự chủ động, giảm thiểu phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, cũng như có thể tuỳ chỉnh sản phẩm nhanh hơn theo yêu cầu của khách hàng.
Viettel đã làm chủ được nhiều sản phẩm, dịch vụ, trong đó có hạ tầng mạng 4G và 5G. Về chính quyền số, Viettel đồng hành cùng các địa phương để triển khai giải pháp chuyển đổi số, trong đó có trung tâm giám sát điều hành thành phố thông minh, cung cấp thông tin cho lãnh đạo địa phương trong việc ra quyết định. Viettel còn tham gia tích cực vào việc phát triển các giải pháp chuyển đổi số trong ngành y tế, giáo dục, thanh toán điện tử…
Chia sẻ về con đường vươn ra biển lớn của FPT, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho biết FPT đã chuyển dịch được hàm lượng gia công, trước đây là 99%, giờ chuyển sang các dịch vụ tư vấn và chuyên môn sâu hơn. Tại châu Âu, FPT đang nghiên cứu những giải pháp giúp tối ưu quá trình chế tạo ra một chiếc xe hơi và quản lý, bảo trì các hệ thống điện gió.
Trong nước, FPT cũng có nhiều sản phẩm như hệ thống quản lý về thuế, hải quan, ngân hàng, kho bạc, mới đây nhất là hệ thống sàn giao dịch HOSE. Hệ thống e-Hospital của FPT đang phục vụ 400 bệnh viện Việt Nam và hơn 10 bệnh viện ở nước ngoài.
Từ những kết quả mà các doanh nghiệp công nghệ số đã đạt được, dễ dàng nhận thấy các sản phẩm Make in Viet Nam chính là hạt nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, chắp cánh cho khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số hùng cường, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh, bền vững.
Chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 năm 2022 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, công nghệ số tiếp tục là điểm sáng khi doanh thu năm 2022 ước tính đạt 148 tỷ USD, doanh nghiệp công nghệ số có sự phát triển mạnh mẽ với 70.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập và hoạt động, xuất khẩu công nghệ số ước tính đạt 136 tỷ USD, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò của công nghệ số trong đổi mới số sáng tạo. Doanh nghiệp số Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần chuyển đổi số quốc gia, vươn ra toàn cầu.
Bình luận